Bản tin thị trường ngày 21/04/2023 - KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG TRONG PHIÊN VNINDEX GIẢM ĐIỂM

21/04/2023 -

Tổng kết thị trường 21/04:

Kết phiên Vnidex đóng cửa 1,042.91 điểm, giảm 6.34 điểm tương ứng 0.6%. Thanh khoản đạt gần 10 nghìn tỷ, tăng khoảng 6% so với phiên hôm qua. Khối ngoại bán ròng 229 tỷ đồng. Nguồn cung giá rẻ tiếp tục là yếu tố khiến cho thị trường tiếp tục rơi vào tình cảnh ảm đạm khi bên bán chực chờ “đẩy hàng”, còn bên mua không mặn mà “xuống tiền”. Sự thận trọng từ cả 2 phía là nguyên nhân khiến cho VN Index chìm trong sắc đỏ ở phần lớn thời gian giao dịch. Ở những phút cuối của phiên, bên nắm giữ bắt đầu mất kiên nhẫn và đẩy mạnh bán tháo, khiến cho VN Index lao dốc mạnh. Kết phiên hôm nay 21-4, VN Index giảm 6,34 điểm (0,6%) xuống còn 1.042,91 điểm.So với phiên hôm qua, độ rộng giữa các mã tăng/giảm nới rộng đáng kể với 247 mã tăng so với 128 mã giảm và 55 mã đi ngang. Bên rổ VN30, sắc đỏ xuất hiện áp đảo với 23 mã giảm so với 5 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu.

Khối ngoại bán ròng 229.64 tỷ, tập trung bán các mã VNM, NLG, SSI

NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CHỈ SỐ

VN Index kết phiên cuối tuần tạo nến đỏ, rung lắc quanh vùng 1045. Bên cạnh đó, thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ cho thấy thị trường vẫn đang có sự phân hóa và dòng tiền vẫn đang tham gia thị trường một cách có chọn lọc. Tuy nhiên nếu áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng thì VN Index có khả năng sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ quanh 1020 – 1030, dù xác suất là không cao. Nhà đầu tư duy trì tài khoản ở mức an toàn xấp xỉ 20 – 30%, chủ động bán giảm những mà đã giảm dưới vùng hỗ trợ và chỉ giữ lại những cổ phiếu có diễn biến tích lũy, thu hút được lực cầu tốt.

TIÊU ĐIỂM TIN

  • Theo Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên 2022 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) vừa công bố, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tác động từ thế giới là sự suy giảm kinh tế thế giới nói chung, cộng với triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU và nguy cơ lạm phát cao toàn cầu còn dai dẳng. Theo đó, các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 gồm: suy giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước. (Nguồn: cafef.vn)
  • Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, dự án, nhiệm vụ lớn, trong đó có việc lập quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch thủ đô). Việc lập quy hoạch thủ đô và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch chung) (Nguồn: cafef.vn)
  • Văn phòng Chính phủ ngày 17/4 có văn bản truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng Lê Minh Khái về đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8%. Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Bộ này xây dựng hồ sơ, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4. (Nguồn: cafef.vn)

CỔ PHIẾU ĐÁNG CHÚ Ý

  • Chiều nay 21/4/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo kết quả biểu quyết, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Do đó, tờ trình này không được Đại hội cổ đông thông qua. Trước đó, theo tờ trình đại hội, Ban lãnh đạo MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.
  • Sáng ngày 21/4/2023, CTCP Thép Nam Kim (NKG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thông qua mục tiêu tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13,5% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, cải thiện đáng kể khi năm trước lỗ trước thuế 107 tỷ. Ban lãnh đạo NKG đánh giá, năm 2023 là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ đối với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính. Trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong quá khứ, NKG cho rằng thị trường năm nay sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng nhưng những gì khó khăn nhất đã qua.

Bản tin thị trường ngày 21/04/2023 - KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG TRONG PHIÊN VNINDEX GIẢM ĐIỂM