ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 09/09/2021

09/09/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Văn phòng quản lý ngân sách ngày 8/9 kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn do quỹ hiện tại sẽ hết vào cuối tháng 9. Quyền Chủ tịch Văn phòng quản lý ngân sách của Nhà Trắng, bà Shalanda Young đã gửi đề xuất chi tiêu “khẩn cấp” tới quốc hội, kêu gọi gia hạn quỹ chính phủ trong thời gian ngắn để chính phủ không phải đóng cửa một phần từ ngày 1/10 tới. Theo đạo luật đã được thông qua trước đây, quỹ chính phủ sẽ hết vào cuối tháng 9 tới. Điều này có nghĩa các nghị sĩ sẽ cần thông qua giải pháp tiếp nối ngắn hạn (CR) để tạm thời gia hạn quỹ này thêm một thời gian nữa trước khi tài khóa 2022 bắt đầu. Cụ thể, Nhà Trắng đề nghị dành 14 tỷ USD để hỗ trợ khắc phục hậu quả từ các trận thiên tai xảy ra trước trận bão Ida, đồng thời dành riêng 10 tỷ USD để hỗ trợ giải quyết hậu quả trận siêu bão này. Ngoài ra, còn 6,4 tỷ USD dành cho việc tái định cư hàng chục nghìn người Afghanistan sang Mỹ tị nạn. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang thảo luận về dự luật ngân sách khoảng 3.500 tỷ USD dự kiến trình quốc hội trong tháng này.

Giá dầu Brent tương lai tăng 91 cent, tương đương 1,3%, lên 72,6 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 95 cent, tương đương 1,4%, lên 69,3 USD/thùng. Các công ty dầu mỏ hoạt động ở vịnh Mexico vẫn chưa thể tái sản xuất, 9 ngày sau khi bão Ida đi qua khu vực mang theo gió mạnh và mưa lớn. Khoảng 77% sản lượng ở vịnh Mexico vẫn chưa khôi phục, tính đến ngày 7/9, tương đương 1,4 triệu thùng/ngày. Thị trường hiện mất sản lượng 17,5 triệu thùng/ngày. Vùng Vịnh Mexico chiếm khoảng 17% sản lượng của Mỹ. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 8/9 dự báo sản lượng có thể giảm 200.000 thùng/ngày xuống còn 11,08 triệu thùng/ngày trong năm 2021, mức giảm cao hơn so với con số 160.000 thùng/ngày đưa ra trước đó. Nhà đầu tư chờ xem số liệu tồn kho từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và EIA để có bức tranh rõ nét hơn về ảnh hưởng từ bão Ida đến sản xuất và lọc dầu.

PayPal - "đại gia" thanh toán trực tuyến của Mỹ - đang chuẩn bị mua lại công ty công nghệ tài chính Paidy của Nhật Bản với giá 2,7 tỷ USD. Đây là một tín hiệu mới cho thấy bước phát triển của lĩnh vực “mua hàng trước, trả tiền sau.” Trong tuyên bố ngày 8/9, PayPal nêu rõ mức giá thương lượng sau cùng trong thương vụ này là 300 tỷ yen (2,7 tỷ USD) và công ty sẽ thanh toán “chủ yếu bằng tiền mặt.” Hai bên dự kiến giao dịch sẽ được hoàn tất vào quý 4, tùy thuộc vào các bước phê duyệt quy định cần thiết. Sau khi tiếp quản, Paidy vẫn sẽ tiếp tục hoạt động với thương hiệu như hiện nay. Là một công ty công nghệ tài chính ra đời vào năm 2008 tại Tokyo, Paidy cho phép các nhà kinh doanh online cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng của họ. Công ty hiện có 6 triệu khách hàng này đã huy động được khoảng 400 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Goldman Sachs và PayPal Ventures - chi nhánh của PayPal. Hồi tháng Tư năm nay, hai công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác, theo đó cho phép người dùng Paidy ở Nhật Bản mua hàng bằng thẻ tín dụng tại tất cả nhà kinh doanh online có sử dụng PayPal làm dịch vụ thanh toán trên khắp thế giới. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2010 đến nay, PayPal hiện có hơn 4,3 triệu tài khoản ở Nhật Bản.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 68,93 điểm, tương đương 0,2%, xuống 35.031,07 điểm. S&P 500 giảm 5,6 điểm, tương đương 0,13%, xuống 4.514,07 điểm. Nasdaq giảm 87,69 điểm, tương đương 0,57%, xuống 15.286,64 điểm. 6 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ với năng lượng và vật liệu giảm sâu nhất, mất hơn 1%. Apple và Facebook giảm khoảng 1% sau khi giúp Nasdaq lập đỉnh trong phiên 7/9, trở thành hai cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến S&P 500. Nhà đầu tư thận trọng hơn sau khi báo cáo việc làm tháng 8 công bố ngày 3/9 không đạt kỳ vọng, trong bối cảnh áp lực từ chi phí tăng bất chấp kinh tế chững lại dấy lên lo ngại Fed có thể sớm thu hồi các chính sách hỗ trợ hơn dự kiến.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào thứ Tư, trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày thứ Năm tới và lo lắng về sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,7%, trong đó ô tô giảm 1,6%, ngược lại cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,61%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,89% còn Topix tăng 0,79%. Số liệu sau điều chỉnh cho thấy kinh tế Nhật Bản quý II tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với ước tính ban đầu tăng 1,3%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,04%, Shenzhen Component giảm 0,101%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,12%. Nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu China Evergrande Group, đã giảm hơn 8% trong tuần này, nối đà đi xuống từ tuần trước sau khi công ty cảnh báo có nguy cơ vỡ nợ. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,77%. ASX 200 của Australia giảm 0,24%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 08/09, VN-Index tăng 8,29 điểm (-0,62%) xuống 1.333,61 điểm. Toàn sàn có 127 mã tăng, 259 mã giảm và 56 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,8 điểm (0,23%) lên 347,28 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 118 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,36%) xuống 94,36 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.230 tỷ đồng, giảm 29,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 28,3% xuống còn 18.439 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 440 tỷ đồng trên HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Thị trường bước vào phiên giao dịch ngày 08/09 với tâm lý khá giằng co mặc dù mở đầu chỉ số VN-Index vẫn có được sắc xanh nhờ lực kéo từ nhóm tăng điểm phiên ngày 07/09 như bank và chứng khoán. Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh tiếp tục diễn ra tại nhiều nhóm ngành trong phiên sáng khiến thị trường lình xình và quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, khoảng 14h nhiều mã bank lớn đã quay đầu giảm điểm đã khiến thị trường có lúc giảm gần 10 điểm nhưng lực cầu nhỏ cuối phiên đã giúp thị trường hồi phục nhẹ. Điểm sáng hiếm hoi trong phiên giao dịch ngày 08/09 tới từ nhóm thép, bất chấp áp lực điều chỉnh diễn ra tại hầu hết các nhóm ngành nhờ thông tin khá tích cực tới từ sự hồi phục của giá thép thế giới. Về diễn biến thị trường ngắn hạn, áp lực điều chỉnh 2 phiên liên tiếp đã khiến một số nhóm ngành tăng nóng thời gian vừa qua về mức cân bằng, việc thanh khoản ngày 08/09 giảm cho thấy lực bán đã giảm nhiều so với phiên 07/09, thị trường có thể sẽ hồi phục trong 1-2 phiên tới. Dòng tiền có thể sẽ tiếp tục sôi động tại nhiều nhóm ngành như VLXD, đầu tư công…Mốc hỗ trợ tiếp theo sẽ là 1,325 trong khi mốc kháng cự sẽ là 1,350.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội