ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 17/08/2021

17/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Giá dầu Brent tương lai giảm 1,08 USD, tương đương 1,5%, xuống 69,51 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 68,14 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,15 USD, tương đương 1,7%, xuống 67,29 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 65,73 USD/thùng. Thị trường năng lượng đầu phiên 16/8 giảm hơn 3% sau khi số liệu cho thấy sản lượng nhà máy và tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 7 của Trung Quốc chững lại đáng kể, không đạt kỳ vọng, do ảnh hưởng từ Covid-19 và lũ lụt. Giá dầu phục hồi phần nào sau khi OPEC và đồng minh, tức OPEC+, cho biết không cần phải tăng thêm sản lượng bất chấp Mỹ gây áp lực để liên minh này tăng cung, kiểm soát giá dầu. OPEC+ tháng 7 nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, kể từ tháng 8 cho đến hết tháng 12. Hai nguồn tin OPEC+ nói số liệu từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều cho thấy không cần tăng sản lượng. Sản lượng dầu của Mỹ tại 7 vùng khai thác chính dự báo tăng 49.000 thùng/ngày trong tháng 9, chủ yếu do tăng trưởng tại Permian, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Ngày 16/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm hàng tỷ nhân dân tệ thông qua các khoản cho vay trung hạn (MLF) vào hệ thống tài chính nước này, trong khi quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt tháng thứ 16 liên tiếp. PBoC giữ nguyên lãi suất đối với các khoản MLF trị giá 600 tỷ nhân dân tệ (gần 93 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính ở mức 2,95%. PBoC cho biết, hoạt động cho vay nhằm “đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tài chính" trong khi vẫn giữ các điều kiện cho vay ở mức hợp lý. PBoC cho biết thêm, động thái này có tính đến việc các tổ chức tài chính có thể sử dụng một phần quỹ được giải phóng từ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào tháng 7/2021 để trả các khoản vay MLF đến hạn trong tháng 8.

Ngày 16/8, thông tin về triển khai các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang nỗ lực hỗ trợ theo từng đối tượng phù hợp: Có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0.Trong đó, TP.HCM xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 đến 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh. Từng gói hỗ trợ đều có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, Thành phố cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói để hỗ trợ người dân. Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp. Ông Đức cho rằng, TP.HCM đã và đang trích quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Thời gian qua, Thành phố cố gắng huy động tất cả nguồn lực có thể để hỗ trợ người dân, các nguồn lực xã hội đóng góp, thành phố đều sử dụng hiệu quả.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 110,02 điểm, tương đương 0,31%, lên 35.625,4 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.515,38 điểm thiết lập hôm 13/8. S&P 500 tăng 11,71 điểm, tương đương 0,26%, lên 4.479,71 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.468 điểm thiết lập hôm 13/8. Đây là phiên lập đỉnh thứ 5 liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Nasdaq giảm 29,14 điểm, tương đương 0,2%, xuống 14.793,76 điểm. Các cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế như năng lượng, vật liệu và tài chính suy yếu từ đầu phiên sau khi số liệu về sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc tháng 7 chững lại đáng kể, không đạt kỳ vọng, vì Covid-19 cùng lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sau đó tăng 1,1%, diễn biến tốt nhất trong S&P 500. Lĩnh vực tiện ích và hàng tiêu dùng, thường được coi là phòng thủ, giúp củng cố hơn nữa đà đi lên của thị trường.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm vào thứ Hai, khi các nhà đầu tư phản ứng với những dữ liệu kinh tế suy yếu hơn so với dự đoán và theo dõi những lo ngại về địa chính trị. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã giảm 0,5%, với hầu hết các ngành và sàn chính đều giảm. Nhóm cổ phiếu khai khoáng dẫn đầu mức giảm, giảm hơn 2%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,5%. Tại Nhật Bản, Nikkei giảm 1,62%, Topix giảm 1,61%. GDP Nhật Bản quý II tăng 0,3% so với 3 tháng trước đó và vượt dự báo tăng 0,2%. Trong quý I, GDP Nhật Bản giảm 0,9%. Thị trường Trung Quốc trái chiều với Shanghai Composite tăng 0,03% còn Shenzhen Component giảm 0,712%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,8%. Doanh số bán lẻ tháng 7 tại Trung Quốc tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng tăng 11,5% từ giới phân tích. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo tăng 7,8%. Thị trường Hàn Quốc nghỉ lễ. ASX 200 của Australia giảm 0,61%. Tại Đông Nam Á, chỉ số KLCI Index của Malaysia giảm 0,15% sau khi thủ tướng nước này nộp đơn từ chức lên quốc vương.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 16/08, VN-Index tăng 13,91 điểm (1,03%) lên 1.370,96 điểm. Toàn sàn có 266 mã tăng, 117 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,57 điểm (1,95%) lên 343,53 điểm. Toàn sàn có 156 mã tăng, 65 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,87 điểm (2,03%) lên 94,04 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với các phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 32.467 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên trước, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 13,8% lên 26.150 tỷ đồng. Dù vậy, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 933 tỷ đồng trên sàn HoSE ở phiên này.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Cú phục hồi mạnh mẽ hôm thứ Sáu tuần trước được nhiều nhận định cho rằng đó là một phiên "rũ bỏ" và thị trường chuẩn bị bước vào đợt tăng điểm ngắn hạn. Diễn biến về chỉ số phiên 16/08 dường như phản ánh khá sát nhận định này, tuy nhiên, có lẽ cần phải bổ sung thêm nhận định rằng, phiên cuối tuần trước cũng là phiên đảo hàng rất đẹp. Phiên ngày 16/08 các mã trụ trở lại vị thế cần phải có của mình, dòng cổ phiếu ngân hàng nếu như trong tuần trước vẫn còn được nhận định là "khá yếu, phục hồi chậm hơn thị trường" thì phiên 16/08 đã bứt tốc, cho dấu hiệu vào sóng mới. Sự trở lại của cổ phiếu nhóm trụ một mặt giúp VN-Index chinh phục được ngưỡng 1.370 điểm là đỉnh của đợt sóng hồi 3 tuần qua, đồng thời mở ra hy vọng chỉ số này sẽ sớm trở lại đỉnh mọi thời đại ở ngưỡng 1.420 điểm. Mốc điểm được tạo ra nửa đầu năm bởi chính nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường. Đó là kỳ vọng, tuy nhiên cần phải nhìn vào thực tế rằng, đợt phục hồi này có một đặc điểm chung nhất là dòng tiền lan tỏa đều các mã. Ngay phiên 16/08 trên sàn HOSE có tới 266 mã tăng giá, một con số rất hiếm khi xảy ra. Quan trọng hơn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt liên tục đổi vai, có lẽ duy nhất chỉ có cổ phiếu nhóm chứng khoán là thể hiện độ bền khi hầu hết đã vượt đỉnh giá lịch sử của mình. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục chiến lược và nương theo nhịp tăng của thị trường. Đồng thời tiếp tục xem xét tham gia mua ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu tích cực sau vùng tích lũy.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội