Kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán phái sinh

03/07/2019 - TT-APG
  1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.

Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

  1. Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

– Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

  1. Giao dịch Hợp đồng tương lai có gì khác biệt so với giao dịch cổ phiếu?

Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thoả thuận.

Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào Hợp đồng tương lai. Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.

Đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán. Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, sẽ cần làm quen với hai hoạt động chính trong Giao dịch hợp đồng tương lai: Ký quỹ và thanh toán hàng ngày.

  1. Ký quỹ là gì và ký quỹ hoạt động như thế nào?

Ký quỹ là một trong những điểm khác biệt của giao dịch chứng khoán phái sinh so với giao dịch cổ phiếu. Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Trung tâm lưu ký sẽ quy định tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau.

Tỉ lệ ký quỹ ban đầu do trung tâm lưu ký quy định sẽ nêu rõ nhà đầu tư phải ký quỹ bao nhiêu phầm trăm giá trị hợp đồng trước khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.

Ví dụ: Nhà đầu tư tham gia Hợp đồng tương lai chỉ số có quy mô 70 triệu đồng/hợp đồng với mức ký quỹ quy định là 10%; thay vì phải bỏ ra 70 triệu đồng, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 7 triệu đồng là đã có thể tham gia vào một hợp đồng này.

Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai.

  1. Việc thanh toán hàng ngày diễn ra như thế nào?

Một điểm khác biệt nữa của thị trường chứng khoán phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:

– Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.

– Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.

Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.

  1. Quy mô hợp đồng được tính toán như thế nào?

Giống như giá của mỗi cổ phiếu, quy mô của mỗi hợp đồng phái sinh sẽ cho biết giá trị đầu tư mà nhà đầu tư đang tham gia là bao nhiêu. Quy mô hợp đồng sẽ được tính theo công thức:

Quy mô hợp đồng = giá Hợp đồng tương lai * hệ số nhân

Ví dụ: chỉ số VN30 ở mức 700 điểm, hệ số nhân do Sở GDCK quy định là 100.000 đồng. Như vậy, quy mô mỗi hợp đồng tương lai VN30 sẽ là 70 triệu đồng.

Nhà đầu tư cần chú ý gì khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh?

Khi giao dịch chứng khoán phái sinh, sau khi đã nắm giữ vị thế, nhà đầu tư cần theo dõi hai loại tỷ lệ: Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ và tỷ lệ tài khoản phái sinh.

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = Giá trị ký quỹ yêu cầu/Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ

Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = Giá trị ký quỹ yêu cầu/Giá trị tài sản ròng hợp lệ

Giá trị ký quỹ yêu cầu = IM + VM + DM

Trong đó:

IM: Ký quỹ ban đầu theo quy định của Trung tâm lưu ký.

VM: Giá trị lỗ ròng phát sinh trong phiên (nếu có).

DM: Ký quỹ chuyển giao, dùng thay cho IM đối với các hợp đồng phái sinh chuyển giao vật chất đến ngày đáo hạn.

Giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ: Số tài sản ký quỹ hợp lệ đã nộp lên Trung tâm lưu ký.

Giá trị tài sản ròng hợp lệ: Số tài sản ký quỹ hợp lệ đã nộp lên Trung tâm lưu ký + tiền tại CTCK – nợ tại CTCK

CTCK sẽ quy định các mức an toàn, cảnh báo và xử lý đối với từng tỷ lệ này:

– Mức an toàn: Nhà đầu tư sẽ được giao dịch chứng khoán phái sinh tối đa cho tới khi tỷ lệ đạt mức an toàn này.

– Mức cảnh báo: Khi vượt quá mức này, CTCK sẽ gọi bổ sung ký quỹ và nhà đầu tư phải nộp thêm ký quỹ hoặc đóng bớt vị thế để tỷ lệ về thấp hơn hoặc bằng mức an toàn.

– Mức xử lý: Tài khoản của nhà đầu tư sẽ bị xử lý đóng vị thế nếu vượt quá mức này.

Ví dụ về quản lý tỷ lệ:

Nhà đầu tư có 120 triệu ở tài khoản phái sinh CTCK. Nhà đầu tư nộp 100 triệu tiền ký quỹ lên Trung tâm lưu ký (VSD) trước khi giao dịch Hợp đồng tương lai (HĐTL) và để lại 20 triệu tại CTCK.

Sau đó, nhà đầu tư tham gia mua 11 HĐTL chỉ số VN30 ở mức 700 điểm, với hệ số nhân theo quy định là 100,000 đồng. Giả sử tỷ lệ ký quỹ ban đầu theo quy định của VSD là 10% và CTCK quy định các mức tỷ lệ như sau:

An toàn: 80%

Cảnh báo: 85%

Xử lý: 90%

Nghĩa vụ ký quỹ của nhà đầu tư trong trường hợp này là:

IM = 11 hợp đồng * 700 điểm * 100,000 đồng * 10% = 77 triệu đồng

VM = 0

DM = 0

Giá trị ký quỹ yêu cầu = IM + VM + DM = 77 triệu đồng

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = 77 triệu đồng/100 triệu đồng = 77.00%

Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = 77 triệu đồng/120 triệu đồng = 64.17%

Cả 2 tỷ lệ này đều vẫn đang trong ngưỡng an toàn (<80%). Nhà đầu tư có thể mở tiếp vị thế cho đến khi tỷ lệ lên tới 80%.

Trong trường hợp HĐTL VN30 giảm về mức 689 điểm trong phiên:

Các nghĩa vụ ký quỹ sẽ được liên tục tính toán lại trong phiên và khi HĐTL giảm về mức 689 điểm thì:

IM = 11 hợp đồng * 689 điểm * 100,000 đồng * 10% = 75.79 triệu đồng

VM = 11 hợp đồng * 11 điểm * 100,000 đồng = 12.1 triệu đồng

DM = 0

Giá trị ký quỹ yêu cầu = IM + VM + DM = 87.89 triệu đồng

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = 87.89 triệu đồng/100 triệu đồng = 87.89%

Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = 97.89 triệu đồng/120 triệu đồng = 73.24%

Việc nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua trong thị trường giảm đã làm phát sinh lỗ trong phiên, thể hiện qua VM với mức lỗ tạm tính là 12.1 triệu đồng. Như vậy, ở trường hợp này, tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư đã vượt ngưỡng cảnh báo (85%) và sắp chạm ngưỡng xử lý (90%). Để tránh bị xử lý bắt buộc, nhà đầu tư sẽ phải nộp thêm tiền ký quỹ lên VSD, hoặc đóng bớt vị thế để làm giảm nghĩa vụ ký quỹ.

– Trường hợp 1: Do nhà đầu tư còn số dư tiền tại CTCK, nhà đầu tư có thể nộp nốt 20 triệu đồng còn lại lên ký quỹ tại VSD. Khi đó, giá trị tài sản ký quỹ hợp lệ của nhà đầu tư sẽ là 120 triệu đồng và không còn số dư tiền tại CTCK.

Sau khi nhà đầu tư nộp thêm ký quỹ:

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = 75.79 triệu đồng/120 triệu đồng = 73.24%

Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = 75.79 triệu đồng/120 triệu đồng = 73.24%

Trạng thái tài khoản của nhà đầu tư quay trở lại mức an toàn.

– Trường hợp 2: Nhà đầu tư không nộp thêm tiền ký quỹ mà đóng bớt 2 vị thế. Nhà đầu tư còn lại 9 vị thế mua.

IM = 9 hợp đồng * 689 điểm * 100,000 đồng * 10% = 62.01 triệu đồng

VM (đối với 2 vị thế đã đóng) = 2 hợp đồng * 11 điểm * 100,000 đồng = 2.2 triệu đồng

VM (đối với 9 vị thế chưa đóng) = 9 hợp đồng * 11 điểm * 100,000 đồng = 9.9 triệu đồng

DM = 0

Giá trị ký quỹ yêu cầu = IM + VM + DM = 74.11 triệu đồng

Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ = 74.11 triệu đồng/100 triệu đồng = 74.119%

Tỷ lệ sử dụng tài khoản phái sinh = 74.11 triệu đồng/120 triệu đồng = 61.76%

Trạng thái tài khoản của nhà đầu tư quay trở lại mức an toàn.