ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 20/08/2021

20/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua, đánh dấu thêm một tháng có số việc làm tăng trưởng mạnh dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng vẫn là nguy cơ đối với đà phục hồi của thị trường việc làm. Bộ Lao động Mỹ ngày 19/8 cho biết số đơn trong tuần kết thúc ngày 14/8 giảm 29.000, xuống còn 348.000 đơn. Đây là tuần thứ tư liên tiếp con số này giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, thời điểm phong tỏa bắt buộc đối với các doanh nghiệp không thiết yếu nhằm kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Con số này cũng thấp hơn mức dự báo của các chuyên gia kinh tế (363.000 đơn). Diễn biến tích cực trên là nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng giúp nền kinh tế hoạt động trở lại an toàn. Hơn một nửa dân số Mỹ được tiêm đủ vaccine Covid-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn đang tăng vì biến thể Delta siêu lây nhiễm.

Giá dầu Brent tương lai giảm 1,78 USD, tương đương 2,6%, xuống 66,45 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 65,57 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 21/5. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,71 USD, tương đương 2,6%, xuống 63,5 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 62,41 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 21/5. Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của cả hai loại dầu, đợt giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020. Thị trường năng lượng tăng trong suốt nửa đầu năm nay nhưng đã mất 15% kể từ đầu tháng 7. Làn sóng bùng phát Covid-19 gần đây trên thế giới làm cản trở đi lại toàn cầu, đe dọa các hoạt động kinh tế trong khi các nhà sản xuất dầu lớn đang sẵn sàng tăng sản lượng. Biến chủng Delta tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang làm gia tăng đà lây lan của Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Số ca tử vong liên quan Covid-19 tại Mỹ tháng qua tăng mạnh. USD tăng giá, lên đỉnh 9 tháng ngày 19/8, sau khi biên bản họp tháng 7 của Fed cho thấy họ đang cân nhắc siết hỗ trợ trong năm nay. USD tăng giá khiến dầu trở nên đắt hơn với người không nắm giữ đồng bạc xanh.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2021 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2021) đạt 24,1 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 5,31 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến từ đầu năm hết ngày 15/8/2021 đạt 399,27 tỷ USD, tăng 28,6%, tương ứng tăng 88,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 275,82 tỷ USD, tăng 32,3%; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 123,45 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8 đạt 11,37 tỷ USD, giảm 24,2% so với kỳ 2 tháng 7/2021. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 21,9%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 41,6%... Như vậy, tính đến hết 15/8/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 8/2021 đạt 8,37 tỷ USD, giảm 24%, so với kỳ 2 tháng 7/2021. Lũy kế đến 15/8/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt hơn 145 tỷ USD, tăng 27,9%, tương ứng tăng 31,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 66,57 điểm, tương đương 0,19%, xuống 34.894,12 điểm. S&P 500 tăng 5,53 điểm, tương đương 0,13%, lên 4.405,8 điểm. Nasdaq tăng 15,87 điểm, tương đương 0,11%, lên 14.541,79 điểm. S&P 500 giảm sâu từ đầu phiên, sau đó liên tục biến động giữa tăng và giảm. Cổ phiếu công nghệ hỗ trợ Nasdaq trong khi các lĩnh vực nhạy cảm với kinh tế như năng lượng và vật liệu suy yếu. Công nghệ cũng là lĩnh vực tỏa sáng trong S&P 500, tăng 1%, nhờ cổ phiếu Nvidia tăng 4%. Nvidia dự báo lợi nhuận quý III vượt kỳ vọng của Phố Wall nhờ lực cầu chip bùng nổ. Số liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần trước giảm xuống thấp nhất 17 tháng, cho thấy việc làm có thêm một tháng bùng nổ.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu giảm điểm vào ngày thứ Năm khi các nhà đầu tư xem xét các biên bản mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang . Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 2%, với tất cả các lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ. Các nguồn tài nguyên cơ bản, dầu khí và bán lẻ dẫn đầu mức giảm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,4%, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2%, DAX của Đức giảm 1,79%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm gần 2%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,1% còn Topix giảm 1,39%. Thị trường Trung Quốc trái chiều với Shanghai Composite giảm 0,57%, Shenzhen Component tăng 0,23%. Hang Seng của Hong Kong giảm 2,13%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,93%. ASX 200 của Australia giảm 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia giảm còn 4,6% trong tháng 7 so với con số 4,9% tháng trước đó, theo số liệu điều chỉnh được Cơ quan thống kê Australia công bố ngày 19/08.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 19/08, VN-Index tăng 13,91 điểm (1,02%) lên 1.374,85 điểm. Toàn sàn có 218 mã tăng, 161 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,25 điểm (0,36%) lên 346,07 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 72 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,24%) lên 94,71 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao nhưng giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.754 tỷ đồng, giảm 0,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 2,6% xuống 21.959 tỷ đồng. SSI phiên này có giao dịch thỏa thuận 36,9 triệu cổ phiếu, trị giá 2.081 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Sau phiên sáng 19/08 giằng co và giảm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch tích cực hơn, khi sau nhịp rung lắc nhẹ, VN-Index đã chạm 1.365 điểm ngay trước phiên ATC nhờ lực cầu gia tăng tại nhiều bluechip. Phiên 19/08 là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8 và kịch hay đã xảy ra, khi dòng tiền ồ ạt gom hàng các mã lớn vào những phút cuối, đặc biệt là tại VIC, đã trực tiếp đẩy VN-Index tăng tốc thêm gần 10 điểm khi đóng cửa. Đây không phải là lần đầu tiên thị trường cơ sở chứng kiến sự biến động mạnh phiên ATC trong những ngày đáo hạn phái sinh. Việc một hay vài mã trụ có ảnh hưởng tới chỉ số trong rổ VN30 bị "ép" tăng hay giảm khiến VN-Index không phản ánh đúng diễn biến chung của phiên giao dịch. Điều tích cực trong phiên 19/08, vì vậy, chắc chắn không phải là điểm số của VN-Index mà đến từ sự lan tỏa của dòng tiền. Sau 2 phiên giảm điểm khá tiêu cực, dòng tiền đã trở lại với nhiều mã giúp số mã tăng của thị trường áp đảo so với mã giảm, nhiều dòng cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, thép,... có đà tăng tốt. Điểm tích cực với chỉ số, có lẽ chỉ nằm ở chỗ đó là mốc hỗ trợ 1.350 điểm trở lên vững vàng hơn. VN-Index đã có 8 phiên liên tục đi ngang trong dải điểm 1.350-1.380, trong đó nhiều lần áp sát hoặc thậm chí đã rớt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.350 nhưng đều bật trở lại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội