BÁO CÁO NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP 2020

23/03/2021 -

Dòng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh trong năm 2020

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc ngay từ đầu năm và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội được nhiều nước triển khai nhằm hạn chế sự lây lan, đã làm các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế chậm lại hay thậm chí ngưng hoạt động. Dòng vốn FDI toàn cầu trong cả năm 2020 chỉ đạt gần 860 tỷ USD giảm 42% so với năm 2019. Vốn FDI cũng giảm mạnh ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc tăng 4% lên 163 tỷ USD - đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhận FDI lớn nhất thế giới, tính đến năm 2020.


Nguồn: Cơ quan giám sát xu hướng đầu tư toàn cầu (UNCTAD)

  • EU:Dòng chảy FDI vào châu Âu đã giảm rất mạnh từ 344 tỷ USD xuống âm 4 tỷ USD. FDI vào Liên minh châu Âu giảm 2/3, trong khi dòng chảy vào Vương quốc Anh giảm xuống 0.
  • Bắc Mỹ:Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tiếp theo, với mức giảm 46% xuống còn 166 tỷ USD. FDI vào Mỹ giảm 49% xuống 134 tỷ USD.
  • Châu Á:Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh FDI toàn cầu với mức giảm khá ít (- 4%). Trong khối ASEAN: Malaysia có mức sụt giảm mạnh nhất, với vốn FDI giảm 68% xuống còn 2,5 tỷ USD; Thái Lan giảm 50% xuống còn 1,5 tỷ USD; Indonesia giảm 24% xuống 18 tỷ USD; Việt Nam giảm 10% xuống còn 14 tỷ USD; FDI vào Singapore đã giảm 37% xuống còn 58 tỷ USD trong khi Philippines đi ngược xu hướng; dòng vốn FDI tăng 29% lên 6,4 tỷ USD.

UNCTAD dự đoán mức giảm FDI toàn cầu khoảng 5%-10% trong năm 2021. Đặc biệt, triển vọng năm 2021 đối với các nước đang phát triển khá đáng lo ngại. UNCTAD cũng dự đoán rằng bất kỳ sự gia tăng nào trong chu chuyển FDI toàn cầu năm 2021 sẽ đến từ không phải là đầu tư mới vào tài sản sản xuất mà từ M&As xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế, hai ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng khác biệt từ đại dịch.

FDI vào Việt Nam tuy giảm nhưng vẫn có nhiều điểm sáng

Mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong năm 2020 tuy giảm so với năm 2019, song mức độ giảm đã được cải thiện (chỉ giảm 2% so với năm 2019). Ngoài ra, điểm nhấn nữa trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh tăng 10,6% so với cùng kỳ năm.

Dấu hiệu hồi phục từ quý 3/2020: Khi Việt Nam đã kịp thời và quyết liệt chống dịch Covid 19 và đã tạo được tiếng vang lớn trên thế giới, nhiều DN ĐTNN đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất. Số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đều tăng lên trong các tháng cuối năm (Số dự án cấp mới trong Quý IV năm 2020 tăng 9% so với Quý III năm 2020. Số dự án điều chỉnh vốn cũng tăng lần lượt 26%, 18% và 45% so với các Quý III, Quý II và Quý I năm 2020). Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH &ĐT

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo: tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các đối tác vẫn là các gương mặt quen thuộc: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

TP. HCM là địa phương thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2020:TP Hồ Chí Minh vươn lên dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư theo phương thức GVMCP chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 72,9% tổng vốn đầu tư của Thành Phố); Bạc Liêu đứng thứ hai với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, theo sau là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng.

Làn sóng FDI từ Nhật Bản và một số quốc gia khác mạnh mẽ trong năm 2020

Có tới 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp nhận trợ cấp 200 tỷ USD từ Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung có niềm tin rất lớn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn Savills Vietnam

Ngoài ra, việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu Covid. Đã có một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn, ...

Trong Quý 1/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7 ha tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C. IP. Đồng Nai thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua tại Đồng Nai; Nghệ An thu hút dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam; Quảng Bình thu hút 14 dự án FDI với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác 23 dự án cho 18 nhà đầu tư; Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD...

 Tâm điểm thu hút vẫn tiếp tục được duy trì 

Chi phí lao động rẻ: Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia với lực lượng lao động trong độ tuổi rất dồi dào trong khi chi phí lại khá rẻ so với mặt bằng chung các quốc gia khác trong khu vực. Mức lương tối thiểu hàng tháng năm 2020 phân theo 4 vùng, giao động từ 132 USD tới 190 USD mặc dù tăng khoảng 5.5% so với năm 2019 nhưng vẫn khá khiêm tốn.

Indonesia – Quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong cuộc đua FDI đặc biệt là làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc, có chi phí lương tối thiểu vùng trọng điểm (Jakatar) khoảng 312 USD/tháng cao hơn nhiều so với 190 USD/tháng vùng trọng điểm TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh lân cận của Việt Nam.

Nguồn: Aseanbriefing.com

 

Môi trường kinh doanh vẫn kém cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực: dù liên tục cải thiện trong thời gian gần đây nhưng chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh (Doing Business ranking) của Việt Nam hiện ở mức 70, xếp sau các nước Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ. Đây cũng là những quốc gia được xem là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI giai đoạn hiện nay.

Theo báo cáo Doing Business 2020 của WB, để khởi sự kinh doanh ở Việt Nam sẽ phải qua tổng số 8 thủ tục, với khoảng thời gian 16 ngày để thực hiện các quy trình. Cũng theo báo cáo của World Bank, thời gian thông quan cũng như chi phí thông quan của Việt Nam là lâu hơn và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. 

Nguồn: WB

Các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… và loạt FTA khác đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện cho Việt Nam.

  • Thu hút FDI từ EU và Vương quốc Anh: EU hiện là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ tư tại Việt Nam với hơn 2.240 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điểm nhấn của các dự án FDI từ EU là phần lớn có chất lượng cao, sức lan tỏa lớn, tiêu biểu trong số đó là những dự án đầu tư vào công nghệ cao từ các Tập đoàn Ericsson, ABB, Bosch… 
  • Kinh tế vĩ mô ổn định, tạo ấn tượng mạnh nhờ kiểm soát tốt dịch Covid 19:theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính 66 nền kinh tế mới nổi của Tạp chí The Economist năm 2020, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để thu hút dòng FDI chất lượng. Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Điều này tạo động lực cho các địa phương thúc đẩy cải cách cũng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu thời gian tới.

Trong đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Số lượng KCN đi vào hoạt động và diện tích đất cho thuê đều tăng: Theo Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ kế hoạch và đầu tư, tính đến hết năm 2020 cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114.000ha, trong đó có 284 khu công nghiệp đang hoạt động, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt 42.200ha, tỷ lệ lấp đầy 57,4%. Trong đó, riêng các khu công nghiệp đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70,2%.

Các giao dịch vẫn được diễn ra nhưng chậm hơn: Hầu hết các giao dịch thuê đất trong năm 2020 diễn ra qua nền tảng trực tuyến. Nhu cầu về đất công nghiệp vẫn được ghi nhận rất cao, được thúc đẩy bởi các triển vọng vững chắc về Việt Nam như là trung tâm công nghiệp đầy hứa hẹn tiếp theo của khu vực. Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 

Khu vực phía Bắc

Khu vực phí Nam

Nguồn: CBRE, Colliers

 Giá thuê đất tiếp tục đà tăng trong cả năm 2020: do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như hiệp định EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam. Theo ghi nhận giá thuê đất tại một số khu công nghiệp như Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm.

Triển vọng năm tới

  • Nguồn cung đất công nghiệp miền Nam hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu phát triển trong khu vực. Giá thuê đất lập đỉnh mới. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn tiếp tục và khiến các kế hoạch đầu tư gặp khó khăn, nhưng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn không ngừng thu hút các nhà đầu tư.
  • Việt Nam sẽ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư và nhà sản xuất, từ đó hỗ trợ thúc đẩy cho cả cung và cầu đối với các BĐS công nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, với diễn biến phức tạp của đại dịch trên toàn thế giới, các ứng dụng ảo và nền tảng tiếp thị trực tuyến hiện đang được phát triển với nhiều đổi mới. Đây sẽ trở thành những công cụ hữu ích để các nhà đầu tư vượt qua thời gian đầy thử thách.

Ngoài ra, hoạt động của kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định hoặc tăng trưởng khá tại một số khu vực do nguồn cung lớn được đưa trong năm 2019 và 2020 cũng như hoạt động cho thuê bị trì hoãn do hạn chế đi lại.  

Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối. Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, với 20% tổng yêu cầu hỏi thuê cho ngành này.

Tổng quan các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang niêm yết

Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán, có những doanh nghiệp chỉ quản lí và vận hành một khu công nghiệp tại một khu vực trong khi có những doanh nghiệp quản lí và vận hành nhiều khu công nghiệp trải dài ba miền đất nước.

Trong các doanh nghiệp niêm yết, cơ bản được phân làm 3 nhóm:

  • Các doanh nghiệp KCN còn quỹ đất cho thuê bao gồm: SZC, IDC, KBC, VGR, IDV, ITA, SZB;
  • Các khu công nghiệp đã lấp đầy, không còn diện tích sẵn sàng cho thuê, không có dự án mới bao gồm: MH3, BAX, TIP, SZL, D2D;
  • Các khu công nghiệp đang có dự án mở rộng chuẩn bị cho thuê trong năm 2020 như LHG, NTC, HPI, SIP.

Nguồn BCTC các công ty

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp BĐS – KCN có sự phân hóa trong năm 2020, dù là nhóm ngành đang được hưởng lợi từ cơ cấu dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận. Song song với đó vẫn có những doanh nghiệp đạt sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm 2019. 

Những doanh nghiệp tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xét về doanh thu, có rất nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó đứng đầu là CTCP Thống Nhất (BAX) với 311 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng trên 69% so với năm 2019. Những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng về doanh thu còn có Nam Tân Uyên (tăng 36%), KCN Tín Nghĩa (tăng hơn 20%) và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hơn 17%.

Nhiều doanh nghiệp lớn có doanh thu, lợi nhuận giảm so với năm 2019

Trái ngược với kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, loạt ông lớn trong ngành bất động sản khu công nghiệp lại đều có kết quả kinh doanh giảm sút so với năm 2019. Becamex (BCM) đạt 7.723 tỷ đồng doanh thu năm 2020, giảm 6% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế giảm sút đến 18,3% xuống còn 2.149 tỷ đồng. Tuy vậy Becamex vẫn vượt 28% kế hoạch doanh thu và vượt 131% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Tổng công ty Idico (IDC) cũng công bố doanh thu giảm 7,5% xuống còn 4.561 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 10,5%, về mức 427 tỷ đồng. 

ITA: doanh thu thuần đạt 643 tỷ đồng giảm một nửa so với cùng kỳ, LNST đạt 177,3 tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ trong đó LNST công ty mẹ là 174 tỷ đồng.

D2D đạt 357 tỷ đồng doanh thu cả năm, giảm 53% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 268 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ nhưng cũng đủ giúp công ty vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Còn KBC ghi nhận doanh thu năm 2020 đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2019 còn lợi nhuận sau thuế giảm sút đến hơn 71%, xuống còn gần 300 tỷ đồng.

Nguồn BCTC các công ty

Triển vọng một số doanh nghiệp vẫn còn quỹ đất lớn

KBC – Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc

KBC - có quỹ đất KCN lớn thứ hai tại khu vực miền bắc, hiện đang quản lý hơn 5.278 ha đất phát triển KCN, chiếm khoảng 5,5% tổng diện tích đất KCN cả nước. Năm 2020, KBC ghi nhận doanh thu 2.154 tỷ, giảm mạnh so với con số 3.210 tỷ năm ngoái. Trong đó, mảng cốt lõi là cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản giảm 1.000 tỷ doanh thu, mảng cho thuê kho nhà xưởng văn phòng ngược lại tăng mạnh song đóng góp vẫn còn khiêm tốn với hơn 140 tỷ đồng. Đóng góp doanh thu chính cho KBC trong năm 2020 đến từ doanh thu cho thuê tại KCN Tân Phú Trung – TP HCM trong quý 4 nhờ giá thuê trung bình tại đây cao kỉ lục trong quý 4.2020, doanh thu tại đây vẫn còn khi chỉ 80% diện tích được thuê.

Triển vọng

Hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy của các công ty công nghệ cao sau đại dịch: KBC có thể hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch nhà máy của các công ty công nghệ cao sau đại dịch tại miền bắc, nhờ vào danh sách khách hàng gồm những công ty công nghệ lớn như Foxconn và LG.

  • KCN Quang Châu nằm trong vùng công nghệ cao, gần với Samsung Bắc Ninh. - Quỹ đất lớn đáp ứng được nhu cầu thuê của nhà đầu tư với 276 ha, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 61%. Trong năm 2020, KBC đã tích cực trang bị nhà xưởng tại đây (33 tỷ đồng) nhằm đón đầu làn sóng FDI “mới” như Foxconn – đơn vị cung cấp linh kiện cho Apple đầu tư 270 USD, Ja Solar Investment (Hong Kong) đầu tư 210 USD…
  • KCN Tân Phú Trung: tiếp tục kì vọng mang lại doanh thu còn lại (20% trống) vào năm 2021 khi nhu cầu thuê đất tại TP. HCM rất cao trong quý 4 và không có cung mới trong quý này. Ngoài ra, giá thuê trong quý 4 cũng đạt mức cao kỉ lục 190 USD/m2/chu kì thuê.
  • Dự án Tràng Cát do KBC liên doanh với Foxconn, là dự án trọng điểm của KBC trong năm 2021, có diện tích 584,9ha và đã đền bù giải phóng mặt bằng 582ha. Dự án này nhằm đáp ứng như cầu mở rộng của ông lớn LG tại đây. Chi phí xây dựng dự án này tăng rất mạnh khoảng 2.500 tỷ chỉ trong quý 4.2020 cho thấy sự quyết tâm hoàn thành nhằm đón đầu làn sóng FDI tới KCN ven biển – xu hướng mới trong những năm tới.
  • Ngoài ra, dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh sau nhiều lần trì hoãn cũng sẽ được hạch toán trong thời gian tới, dự kiến Kinh Bắc sẽ ghi nhận 60 ha đất bán tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh cho đối tác Đài Loan, đóng góp khoảng 50% cho doanh thu bán đất KCN trong năm 2021.

Rủi ro

  • Rủi ro trong giấy tờ pháp lý: Điều này hay xả ra đối với bất cứ doanh nghiệp BĐS nào nói chung cũng như KBC nói riêng với việc không rõ ràng tại một số dự án như dự án Tràng Duệ III và Nam Sơn Hạp Lĩnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn thu chính của KBC trong những năm tới.

SZCCông ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức

Với vị thế quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn đồng thời chi phí đền bù thấp do phần lớn đã được thực hiện đền bù hơn 10 năm trước giúp biên lợi nhuận duy trì ở mức cao. Đồng thời, hoạt động thu phí BOT đem lại dòng tiền ổn định.

Triển vọng

  • Diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê lớn: Tong năm 2020 SZC đã ký thêm hợp đồng với tổng diện tích thuê đạt 50 ha giảm hơn 9% so với cùng kì nhưng giá thuê lại tăng khoảng 12% so với cùng kì. Diện tích cho thuê lũy kế đến cuối năm 2020 đạt 476 ha đất khu công nghiệp. Diện tích còn lại sẵn sàng cho thuê lên đến 760 ha, trong đó đã được đền bù giải tỏa toàn bộ. Với diện tích sẵn sàng lớn sẽ là lợi thế của SZC có được những khách hàng mới nhanh chóng so với các doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai hiện không còn nhiều đất để cho thuê và chưa có sẵn hạ tầng.
  • Biên lợi nhuận gộp liên tục được cải thiện: nhờ chi phí đền bù giải tỏa thấp, trong khi giá cho thuê liên tục tăng qua các năm giúp biên lợi nhuận ròng từ hoạt động thuê KCN duy trì mức cao trên 50%.
  • Dòng tiền ổn định từ BOT 768: SZC bắt đầu thu phí BOT 768 vào năm 2015. Thời gian thu phí trong vòng 35 năm. Doanh thu từ BOT khá ổn định ở mức 66 tỷ/ năm. Biên lợi nhuận ròng đạt 58%.

Rủi ro

  • Áp lực chi trả phí giải phóng mặt bằng: Năm 2020,SZC tăng mạnh đòn bẩy tài chính trong năm 2020 (+72% yoy) nhằm bổ sung vốn cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng dự án KĐT –KCN Châu Đức. Tuy nhiên, đây chưa phải vấn đề lớn khi doanh thu liên tục tăng qua các năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng luôn dương và tăng đều qua các năm.


LHG - Công ty Cổ phần Long Hậu

LHG đang vận hành và khai thác dự án KCN Long Hậu khoảng 160 ha tại Long An. Long Hậu có giá cho thuê cao nhất tại Long An do sở hữu vị trí giáp danh Tp. HCM, cách cảng Hiệp Phước và cảng container trung tâm Sài Gòn (SPTC) khoảng 3 cây số. Giá thuê đất, nhà xưởng xây sẵn trung bình năm 2020 tại Long An khoảng 140 USD/m2/chu kì thuê, chỉ sau Tp. HCM tại khu vực phí Nam.

Triển vọng

  • Quỹ đất rộng lớn còn lại: Tổng diện tích khu Long Hậu 3 là 891 ha, trong đó giai đoạn 1 là 124 ha và giai đoạn 2 là 90 ha. Hiện tại, tổng diện tích đất đã san lấp là 65ha và tổng diện tích đất cho thuê trong năm 2020 là 15ha.  Ngoài ra, mới đây LHG đã trình UBND Long An triển khai dự án Long Hậu 3 giai đoạn 3 với quy mô 100ha, nếu được chấp thuận thì tiềm năng của LHG rất lớn trong những năm tiếp theo.
  • Vị trí thuận lợi: KCN Long Hậu sở hữu vị trí chiến lược nằm gần TP.HCM (cách trung tâm 25 km), Cát Lái (25 km) và Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước (3 km). Long Hậu 3 trở nên hấp dẫn do nguồn cung mới tại TP.HCM và vùng ngoại ô đã cạn kiệt.
  • Tiềm năng vượt trội mặc dù mặt bằng giá thuê đang tăng: Nguồn cung hạn chế ở khu vực phía Nam khiến giá thuê trung bình tiếp tục tăng cao. Giá cho thuê đất tại Long An trong năm 2020 cao tiếp tục tăng mạnh và cao thứ 2 sau Tp.HCM.

Rủi ro

  • Sự chậm trễ trong việc đền bù ở Long Hậu 3 là rủi ro lớn nhất. Quá trình giải phóng mặt bằng tại đây diễn ra khá chậm. Điều này sẽ càng khiến chi phí phát triển cao hơn và tỷ lệ hấp thụ chậm trong hoàn cảnh nhu cầu tăng không ngừng.

 

 

APG RESEARCH

----------------------------------------------------------------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG
📞 Hotline: 090 323 54 34
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội
Nơi kết nối giữa Chuyên gia phân tích và thị trường của APG tại đây:
1. Fanpage: https://www.facebook.com/chungkhoanapg/
2.Telegram: https://t.me/joinchat/JJjE1FFujs22RfJ1dH4uLQ
3. Zalo: https://zalo.me/g/jnvobx458
Trân trọng!