ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 07/06/2021
ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 07/06/2021
- TIN NỔI BẬT
Ngày 5/6, Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Cleveland, Loretta Mester, cho biết báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 5 khá tích cực, song nhưng không đủ để đổi hướng chính sách tiền tệ của Fed. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này tạo thêm 559.000 việc làm trong tháng 5, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19 tuyển dụng trở lại số lao động đã sa thải trong giai đoạn tồi tệ nhất. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đại dịch tiếp tục gây tác động đến nền kinh tế dù chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ lớn.
Ngày 5/6, các bộ trưởng thương mại thuộc 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhất trí mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bắt đầu bằng việc tăng tốc phân phối vaccine. Trong bối cảnh đại dịch, các bộ trưởng thương mại APEC họp trực tuyến, dưới sự chủ trì của New Zealand, quốc gia đăng cai APEC 2021. Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng thương mại APEC nêu rõ: "Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng Covid-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng tôi cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng." Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong việc đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng đối với vaccine.
Hôm thứ Bảy (5/6), G7 đã đạt được một thỏa thuận quan trọng nhằm đóng các lỗ hổng thuế xuyên biên giới mà một số công ty lớn nhất thế giới đang sử dụng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạo động lực mới cho cuộc đàm phán bị đình trệ bằng cách đề xuất mức thuế công ty toàn cầu tối thiểu là 15%, cao hơn mức ở các nước như Ireland nhưng dưới mức thấp nhất trong G7. G7 cho biết, họ sẽ hạ mức thuế của các tập đoàn toàn cầu xuống tối thiểu ít nhất là 15%, đồng thời đưa ra các biện pháp để đảm bảo nộp thuế tại các quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng đã gặp mặt trực tiếp tại Luân Đôn kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu ở Việt Nam giảm do người mua chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu gạo khác đang chào giá rẻ hơn, trong khi khu vực trồng lúa lớn nhất Việt Nam phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 485-490 USD/tấn sau khi vững vàng ở mức 490-495 USD/tấn trong bốn tuần qua. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2021 có thể giảm 11,3% so với một năm trước đó. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã không đổi trong tuần thứ hai liên tiếp, đứng ở mức 382-388 USD/tấn. Nước láng giềng Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gạo từ Ấn Độ trong sáu tháng qua, so với mức dự kiến 1,5 triệu tấn. Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 457-468/tấn từ mức 457-485/tấn vào tuần trước.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 179,35 điểm, tương đương 0,52%, lên 34.756,39 điểm. S&P 500 tăng 37,04 điểm, tương đương 0,88%, lên 4.229,89 điểm. Nasdaq tăng 199,98 điểm, tương đương 1,47%, lên 13.814,49 điểm. Chốt tuần, Dow Jones tăng 0,7%, S&P tăng 0,6% còn Nasdaq tăng 0,5%. Đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp của Nasdaq. Các chủ sử dụng lao động tại Mỹ tăng cường tuyển dụng trong tháng 5 và tăng lương để cạnh tranh. Tuy nhiên, số việc làm mới tạo ra chỉ tăng 559.000, thấp hơn dự báo tăng 650.000 từ giới chuyên gia kinh tế. Nhà đầu tư từng lo ngại báo cáo việc làm quá tốt, gia tăng nguy cơ lạm phát tăng, có thể khiến Fed sớm thu hồi chính sách kích thích kinh tế thời đại dịch.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư xem xét báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần tăng 0,4%, với hầu hết các sàn và ngành chính đều tăng điểm. Cổ phiếu của một số hãng hàng không giảm sau khi Vương quốc Anh loại Bồ Đào Nha khỏi cái gọi là “danh sách xanh” về các điểm đến du lịch. IAG của chủ sở hữu British Airways giảm 0,9% trong khi Wizz Air giảm 3,3%.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,25%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,4% còn Topix tăng 0,025%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,21% còn Shenzhen Component tăng 0,744%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,17%. Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong giảm 0,28%, bất chấp việc công ty con Ant Group được cấp phép hoạt động như công ty tài chính tiêu dùng. Những cổ phiếu công nghệ khác cũng giảm sâu như Baidu mất 3,1%, Tencent giảm 0,65%, Meituan giảm 1,69%. Cổ phiếu công nghệ tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chung số phận. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,23%. ASX 200 của Australia tăng 0,49%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực khi VN-Index tăng 53,59 điểm (4,1%) so với phiên cuối tuần trước lên mức 1.374,05 điểm. HNX-Index tăng 19,3 điểm (6,2%) lên 329,76 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 4,48 điểm (5,2%) lên 90,59 điểm.
Dù thị trường đi lên không ngừng nghỉ nhưng dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh. Tính chung cả thị trường trong tuần từ 28/5-4/6, khối ngoại mua vào 160 triệu cổ phiếu, trị giá 7.267 tỷ đồng, trong khi bán ra 269,5 triệu cổ phiếu, trị giá 13.435 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức gần 110 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng ở mức gần 6.168 tỷ đồng - đây cũng là mức bán ròng kỷ lục của dòng vốn này trên TTCK Việt Nam nếu tính theo tuần.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 4/6, bảng điện tử vẫn gặp sự cố như một vài phiên giao dịch gần đây khi chỉ số VN-Index chỉ biểu thị một đường thẳng đứng duy nhất, đồng thời tổng giá trị giao dịch cũng chạm mức hơn 4.000 tỷ đồng rồi bất ngờ đứng yên dù giao dịch vẫn diễn ra. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã có phần thận trọng hơn sau phiên giao dịch bùng nổ ngày 04/06 khiến thị trường diễn biến chậm hơn và trạng thái phân hóa mạnh cũng diễn ra trong nhóm bluechip nói chung và thị trường nói riêng. Áp lực bán bất ngờ gia tăng cuối phiên khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và chỉ số VN-Index đột ngột điều chỉnh nhẹ. Bước sang phiên chiều 04/06, sau diễn biến chùng lại ở phiên sáng và đột ngột đảo chiều điều chỉnh nhẹ bởi áp lực chốt lời gia tăng, dường như nhà đầu tư tin tưởng thị trường sẽ có phiên giảm điểm sau chuỗi tăng khá nóng vừa qua. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh cuồn cuộn chảy khiến thị trường chưa thể có nhịp nghỉ. Lực cầu gia tăng mạnh đã lan rộng thị trường giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau hơn 15 phút mở cửa. Đà tăng tiếp tục nới rộng hơn khi các mã lớn bé đua nhau khởi sắc. Bên cạnh nhiều cổ phiếu bật cao sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng, nhiều nhà đầu tư cũng cảm thấy tiếc nuối vì đã chốt lời sớm. Đáng chú ý là thanh khoản không ngừng tăng và vượt mốc 30.000 tỷ đồng nhưng hệ thống vẫn chạy khá suôn sẻ và không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh. Thị trường tiếp tục xác lập những đỉnh lịch sử mới cả về thanh khoản cả chỉ số chung. Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần, nhóm vốn hóa lớn có thể tiếp tục dẫn dắt thị trường tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm định ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 1.375-1.380 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.385-1.390 điểm. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục có xu hướng gia tăng, thị trường có thể sẽ giằng co và suy yếu nhất định về phía cuối ngày.
Analysis department of APG Securities Joint Stock Company
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 090 323 54 34
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội