ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 09/08/2021

09/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Ngày 7/8, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu nhằm thúc đẩy dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Đây là một bước tiến về thủ tục nhưng có ý nghĩa quan trọng sau nhiều tháng diễn ra các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng. Dự luật nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ với tỷ lệ phiếu 67-27, theo đó các thượng nghị sĩ đồng ý hạn chế tranh luận về dự luật với khoản đầu tư lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào cơ sở hạ tầng vật chất của Mỹ bao gồm đường xá, cầu, sân bay và đường thủy. Tuy nhiên, vẫn chưa có thời gian cụ thể để dự luật này được thông qua khi các nhà lập pháp chuẩn bị cho các cuộc bỏ phiếu về các điều khoản sửa đổi và làm việc riêng để đạt được một thỏa thuận cho phép Thượng viện hoàn thành công việc về dự luật này một cách nhanh chóng.

Tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đạt mức cao kỷ lục. Từ mức đáy của một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm ngoái, kinh tế Mỹ được ví như lò xo bật trở lại trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Theo đài CNN, kịch bản về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện đã biến mất và Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 cao nhất so với các cùng kỳ trong 70 năm qua. Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý I năm nay, mức tăng GDP là 6,3%.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chững lại trong tháng 7/2021, thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo sợ rằng quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ đương đầu với nhiều áp lực trong nửa sau năm 2021. Hải quan Trung Quốc công bố xuất khẩu của nước này trong tháng 7/2021 tăng trưởng 19,3%, trong khi đó nhập khẩu tăng 28,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc như vậy có thặng dư thương mại ước tính 56,58 tỷ USD trong tháng. Các chuyên gia kinh tế dự báo xuất khẩu tăng trưởng 20% còn nhập khẩu tăng 33,3%. Xuất khẩu của Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định trong nửa đầu năm nay, các biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại trên toàn cầu đã giúp cho nhu cầu toàn cầu tăng trưởng ổn định. Rủi ro thương mại đã tăng lên trong những tháng gần đây khi mà biến chủng delta đang lây lan mạnh khắp châu Á, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng khắp khu vực. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và các đợt bùng dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận tải tại nhiều khu vực của Trung Quốc, chi phí vận tải hàng hóa quá cao không khỏi gây tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 144,26 điểm, tương đương 0,41%, lên 35.208,51 điểm, vượt đỉnh 35.144,31 điểm thiết lập hôm 26/7. S&P 500 tăng 7,42 điểm, tương đương 0,17%, lên 4.436,52 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.429,1 điểm thiết lập hôm 5/8. Nasdaq giảm 59,36 điểm, tương đương 0,4%, xuống 14.835,76 điểm. Chốt tuần, Dow Jones tăng 0,78%, S&P 500 tăng 0,94% còn Nasdaq tăng 1,11%. 4 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh với tài chính ghi nhận ngày tăng mạnh nhất kể từ 20/7. S&P 500 công nghệ giảm. Bảng lương phi nông nghiệp cho thấy có thêm 943.000 việc làm được tạo ra trong tháng 7, vượt dự báo 870.000 việc làm từ giới chuyên gia. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ này còn cho thấy lương tăng đáng kể trong bối cảnh nhà tuyển dụng cạnh tranh để tìm kiếm nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy 16 tháng. Nhà đầu tư hiện chú ý đến cuộc họp của các lãnh đạo Fed ở Jackson Hole, bang Wyoming, vào cuối tháng này để thảo luận chính sách và chiến lược kích thích trong tương lai. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tiếp tục với 427 công ty trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 87,6% số này vượt kỳ vọng. Giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận các công ty S&P 500 quý II là 92,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu đóng cửa trái chiều vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư theo dõi một vòng thu nhập mới của các công ty và sự lan rộng toàn cầu của biến thể delta Covid-19. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên tăng 0,02%, dẫn đầu đà tăng là chỉ số ngân hàng tăng 2%, trong khi cổ phiếu chăm sóc sức khỏe giảm 1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,15%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,33% trong khi Topix tăng 0,019%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,24%, Shenzhen Component giảm 0,301%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,097%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,18%. Cổ phiếu ngân hàng Kakao Bank tăng giá gần 80% so với giá phát hành. ASX 200 của Australia tăng 0,36%. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hôm nay quyết định giữ nguyên lãi suất như dự báo trên thị trường.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần đầu tiên của tháng 8 với mức tăng 31,4 điểm (2,4%) lên 1.341,45 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 10,61 điểm (3,37%) lên 325,46 điểm. UPCoM-Index tăng 1,35 điểm (1,55%) lên 88,28 điểm.

Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng tích cực. Cụ thể, dòng vốn này trong tuần từ 2-6/8 mua vào 203 triệu cổ phiếu, trị giá 9.060 tỷ đồng, trong khi bán ra 145,8 triệu cổ phiếu, trị giá 6.579 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 57,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.480,6 tỷ đồng, gấp 3,4 lần tuần trước.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trong phiên sáng cuối tuần 06/08, mặc dù chịu áp lực bán chốt lời sau 9 phiên tăng liên tiếp nhưng với sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn như VHM, CTG, VNM đã giúp thị trường may mắn giữ được nhịp tăng. Bước sang phiên giao dịch chiều 06/08, lực cầu tiếp tục gia tăng giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm, chỉ số VN-Index nhanh chóng được kéo trở lại mốc 1.350 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa VN-Index chào thua ngưỡng kháng cự này. Lực bán dẫn gia tăng, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường dần hạ độ cao và quay đầu điều chỉnh nhẹ trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC giảm sâu hơn. Với dư địa hồi phục và tăng giá từ nền giá tạo đáy 1.255 điểm vẫn đang được duy trì khá tốt đi cùng với sự tham gia trở lại của dòng tiền. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng tại vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.316-1.320 điểm (áp lực điều chỉnh nhẹ) vào các nhóm hiện đang là điểm nhấn giao dịch, như bất động sản, bán lẻ hàng gia dụng, chuyên dụng hút dòng tiền tốt, bên cạnh nhóm dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán, với mức kỳ vọng VN-Index quay trở lại mức 1.380 điểm (kịch bản thận trọng) và/hoặc tiến tới vượt ngưỡng điểm cao nhất vừa được xác lập tại 1.425 điểm (kịch bản tích cực).

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội