FPT - Động lực mạnh mẽ từ chuyển đổi số (HSX:FPT)
Cập nhật ngày 20/04/2021
THÔNG TIN CỔ PHIẾU
Cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực
Các cổ đông lớn
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
- Vị thế đầu ngành trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin: FPT là doanh nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin lâu đời và thuộc top đầu tại Việt Nam nhờ các sản phẩm đa dạng vớihơn 100 giải pháp phần mềm được cấp bản quyền trong các lĩnh vực chuyên biệt như: Chính phủ, Tài chính công, Ngân hàng - Tài chính, Giáo dục, Y tế, Giao thông. Công ty còn là đối tác cấp cao của: AWS, GE, Microsoft, Cisco, IBM, SAP, Symantec. Bên cạnh đó, FPT tham gia với tư cách là tổng thầu của hầu hết các dự án CNTT lớn.
- Kết quả kinh doanh năm 2020 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bất chấp dịch Covid 19 và kết quả quý 1.2021 tích cực: Năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ; khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019; khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.Ngoài ra, kết thúc quý 1, doanh thu tập đoàn tăng trưởng 14%, lợi nhuận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.
- Mảng công nghệ - với hệ sinh thái các sản phẩm- giải pháp made by FPT:do nhu cầu đầu tư chuyển đổi số tăng trưởng mạnh trên phạm vi toàn cầu, doanh thu ký mới năm 2020 đạt 13.095 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng có doanh thu trên 500 ngàn USD tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng 38,5% so với năm trước. Nhờ vậy, chuyển đổi số - hoạt động kinh doanh chiến lược của FPT ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 31%, từ 2.453 tỷ đồng năm 2019 lên 3.219 tỷ đồng trong năm vừa qua. Đăc biệt, trong năm 2020 FPT đã vượt qua rất nhiều đối thủ mạnh như IBM (Mỹ) và Tata (Ấn Độ) để kí được hợp đồng chuyển đổi số cho tập đoàn ô tô hàng đầu của Mỹ với giá trị khoảng 150 triệu USD. Các giải pháp Made by FPT mục tiêu tăng trưởng doanh thu 50%, có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm. FPT cũng muốn duy trì vị thế của mình trong khối ngân hàng, và Chính phủ, tăng trưởng giá trị hợp đồng ký trên 20%. năm 2020, FPT đã cho ra mắt 29 sản phẩm, giải pháp mới giúp các tổ chức, doanh nghiệp vượt khó, bứt phá trong Covid. Năm 2021, Tập đoàn này đặt mục tiêu dự kiến hệ sinh thái công nghệ Made by FPT có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới.
- Mảng viễn thông: đây là mảng mà FPT phải cạnh tranh manh mẽ với các ông lớn như Viettel, VNPT trong phân khúc dịch vụ băng thông rộng cố định mặt đất với thị phần năm 2020 khoảng 11% trong khi Viettel chiếm gần 31%, VNPT chiếm hơn 52%. Do đó, mảng này định hướng của FPT là duy trì ổn định phân khúc dịch vụ băng rộng cố đinh mặt đất và mở rộng các sản phẩm của phân khúc dịch vụ truyền hình và trực tuyến. Năm 2020, do kiểm soát tốt chi phí và tối ưu hóa các dịch vụ mới như PayTV, biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông của FPT đã tăng mạnh. Cụ thể, biên LNTT dịch vụ băng thông rộng tăng lên gần 20% trong khi các dịch vụ khác đạt mức trên 12%. Ngoài ra sự gia tăng mạnh của hoạt động trực tuyến và sự thích ứng của doanh nghiệp với dịch bệnh mở ra những cơ hội quảng cáo và marketing.
- Đẩy mạnh hoạt động nước ngoài với biên lợi nhuận cao: Mảng công nghệ thông tin trong nước biên lợi nhuận thấp, chỉ 5,6% nguyên nhân do FPT cung cấp cả các dịch vụ phần cứng và phần mềm. Biên lợi nhuận gộp thị trường nước ngoài từ 18 - 20%. Dịch vụ CNTT nước ngoài trong năm 2020 đạt doanh thu 12 nghìn tỷ đồng và LNTT đạt 1.970 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,6% và 14,4% so với năm 2019. Trong đó, các thị trường như Nhật Bản và Châu á Thái Bình Dương (APAC) có mức tăng trưởng doanh thu ở mức 9% và 28%. Năm 2020 đánh dấu bước chuyển mình của FPT khi ký kết nhiều hợp đồng tư vấn chuyển đổi số toàn diện, giá trị lớn cho các tập đoàn hàng đầu toàn cầu như hợp đồng 200 triệu USD tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia, và trở thành đối tác công nghệ chiến lược của hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật với doanh thu tiềm năng lên tới 100 triệu USD…Cũng trong năm 2020, FPT đã mở rộng quy mô toàn cầu với 4 chi nhánh mới tại Canada, Trung Đông, Ấn Độ và Costa Rica, nâng tổng số văn phòng lên 52 tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tại các khu vực trọng điểm như Mỹ và Châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu.
- Chuyển đổi số - động lực tăng trưởng trong những năm tới: sẽ tập trung mở rộng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số từ tư vấn đến triển khai cho các khách hàng là doanh nghiệp lớn. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty mở rộng nhóm giải pháp Made by FPT hướng đến nền tảng quản trị duy nhất tất cả trong một, có khả năng kết nối mở rộng các giải pháp, dịch vụ của bên thứ ba... Tại thị trường Việt Nam, FPT hướng vào nhóm khách hàng tư nhân và doanh nghiệp lớn, mục tiêu tăng thêm 40 khách hàng mới thuộc top 500 doanh nghiệp Việt Nam.
Rủi ro đầu tư
- Rủi ro thị trường: Mặc dù, chuyển đổi số là hệ quả tất yếu nhưng rất nhiều doanh nghiệp, bộ ngành trong nước vẫn chậm trễ hoặc chưa có ý định trong việc này. Theo khảo sát của Dịch vụ phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA) với trên 500 doanh nghiệp nhóm VNR500 ba yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
- Rủi ro cạnh tranh: Mặc dù, là tên tuổi lớn và có uy tín trong việc cung cấp các giải pháp, sản phẩm phần mềm, CNTT tại Việt Nam nhưng FPT ngày càng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ như MISA, CMC hay các ông lớn Viettel, VNPT.
ƯỚC TÍNH LỢI NHUẬN
Với kết quả kinh doanh quý 1 tiếp tục khả quan cho thấy sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng của FPT trong thời gian tới. Do đó chúng tôi ước tính doanh thu năm 2021 cùa FPT đạt 34,400 tỷ đồng tăng trưởng 15% so với năm 2020 với giả định 3 mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số so với năm 2020; mảng CNTT với động lực chuyển đổi số và mở rộng thị trường nước ngoài với biên lợi nhuận gộp cao, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đã kí kết trong năm 2020 với doanh thu dự phóng khoảng 20,000 tỷ ; mảng viễn thông tăng trưởng ổn định khoảng 12,500 tỷ 10% so với năm trước, nhờ sự gia tăng mạnh của hoạt động trực tuyến và sự thích ứng của doanh nghiệp với dịch bệnh mở ra những cơ hội quảng cáo và marketing, với dịch vụ nội dung số, các sản phẩm truyền thông tích hợp tổng thể (IMC); đẩy mạnh dịch vụ mới về tổ chức sự kiện thể thao – kinh tế, chính sách – giải trí, kết hợp offline và online . FPT hướng đến tăng trưởng 100% doanh thu mảng sự kiện; mảng giáo dục dự phóng doanh thu khoảng 2,000 tỷ. LNST dự phóng đạt 4,880 nhờ biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện, cổ tức bằng tiền khoảng 20%, EPS 2021 ước đạt 4,870 (FPT tiếp tục phát hành ESOP và cổ tức bằng cổ phiếu tương đương các năm trước với tỷ lệ 20:3).
ĐỊNH GIÁ VÀ QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ
Chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 92,500 đồng/ cổ phiếu.
Ở mức giá tại ngày 19/04/2021 là 81,500 đồng/cp, FPT đang giao dịch với mức P/E 2021 là 18.07x, tương đương với P/E 2016-2020 là 19.04x và thấp hơn so với mức P/E 2018 là 20.53x. Tuy nhiên, với tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong những năm tới. Chúng tôi cho rằng FPT xứng đáng được định giá ở mức P/E cao hơn. Với P/E mục tiêu khoảng 19x, chúng tôi định giá cổ phiếu FPT ở mức 92,500 đồng/cp (Upside 11%). Chúng tôi khuyến nghị TÍCH CỰC đối với cổ phiếu FPT. Công ty duy trì trả 20% cổ tức tiền mặt và 15% cổ tức bằng cổ phiếu trong 2016-2020.
Bảng tổng hợp KQKD
Nguồn: FPT, APG tổng hợp
KHUYẾN CÁO
Báo cáo này được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ các nguồn được cho là đáng tin cậy, mà chúng tôi có thể cập nhật bằng nỗ lực tối đa của mình. Do vậy, báo cáo chỉ nhằm mục đích tham khảo và chúng tôi không đảm bảo về tính chính xác tuyệt đối của thông tin. Trong thực tế, giao dịch có thể phát sinh tùy theo thỏa thuận của các bên mua/bán và chúng tôi không chịu trách nhiệm do việc sử dụng những thông tin trên gây ra hoặc bất kỳ mục đích sử dụng nào liên quan đến báo cáo này.
----------------------------------------------------------------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
📞 Hotline: 090 323 54 34
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội
Nơi kết nối giữa Chuyên gia phân tích và thị trường của APG tại đây:
1. Fanpage: https://www.facebook.com/chungkhoanapg/
2.Telegram: https://t.me/joinchat/JJjE1FFujs22RfJ1dH4uLQ
3.Zalo: https://zalo.me/g/jnvobx458
Trân trọng!