ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 02/07/2021

02/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Ngày 1/7, các nguồn tin tiết lộ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã hoãn hội nghị cấp bộ trưởng của nhóm này tới ngày 2/7, để tổ chức thêm các cuộc đàm phán về chính sách sản lượng, sau khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngăn chặn một kế hoạch về nới lỏng ngay lập tức việc cắt giảm và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Trước đó, các nguồn tin trong OPEC+ nói rằng kế hoạch này, được các nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC+ là Nga và Arab Saudi nhất trí sơ bộ, sẽ nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng lên. Để đối phó với nhu cầu dầu mỏ giảm do khủng hoảng Covid-19, OPEC+ năm ngoái nhất trí giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2020, với các kế hoạch loại bỏ dần các giới hạn này vào cuối tháng 4/2022. Mức cắt giảm hiện ở mức 5,8 triệu thùng/ngày. Moscow và Riyadh cũng đề xuất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022 để tránh dư thừa nguồn cung trong năm tới. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, UAE, quốc gia có nhiều mục tiêu tăng trưởng sản lượng dầu đầy tham vọng, đã phản đối đề xuất này trong cuộc họp. Phía UAE đã yêu cầu OPEC+ thay đổi đường cơ sở về cắt giảm sản lượng - mức sản lượng ban đầu để tính các mức cắt giảm. Dự kiến, hai hội nghị là Hội nghị Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ lần thứ 31 và Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 18 sẽ nối lại theo hình thức trực tuyến vào ngày 2/7, lần lượt vào lúc 20h và 21h30 giờ Hà Nội.

Theo HS Markit, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6, cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 6 tháng. Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói, dữ liệu PMI tháng 6 cho thấy rõ ảnh hưởng của làn sóng mới nhất của đại dịch Covid-19 lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi các công ty phải đóng cửa ở những khu vực bị giãn cách, từ đó dẫn đến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của toàn bộ lĩnh vực sản xuất bị giảm mạnh. Các công ty đã phản ứng nhanh chóng với khối lượng công việc giảm bằng cách giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng. Dù không nghiêm trọng bằng đợt bùng phát của đại dịch vào đầu năm 2020, nhưng mức giảm sản lượng sản xuất trong tháng 6 là mạnh hơn bất kỳ mức giảm nào từng được chứng kiến trước đại dịch Covid-19 kể từ khi khảo sát bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước.

Ngày 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 131,02 điểm, tương đương 0,38%, lên 34.633,53 điểm. S&P 500 tăng 22,44 điểm, tương đương 0,52%, lên 4.319,94 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.297,5 điểm thiết lập hôm 30/6. Nasdaq tăng 18,42 điểm, tương đương 0,13%, lên 14.522,38 điểm. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, chỉ có hàng tiêu dùng chốt phiên trong sắc đỏ, giảm 0,3%. Đây là phiên lập đỉnh thứ 6 của S&P 500, dài nhất kể từ đầu tháng 2. Lần gần nhất S&P 500 lập đỉnh 6 phiên liên tiếp là tháng 8/2020. Nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm tháng 6, dự kiến công bố ngày 2/7.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Năm, bắt đầu nửa cuối năm 2021 với những thông tin tích cực và các nhà đầu tư dự đoán sự phục hồi kinh tế của châu lục. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,6%, dân đầu mức tăng là cổ phiếu dầu khí tăng 2,1% ,cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,9%. Hầu hết các sàn giao dịch chính kết thúc phiên trong vùng tích cực.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,35%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,29% còn Topix giảm 0,22%. Chỉ số tâm lý các nhà sản xuất lớn trong khảo sát tankan hàng quý của ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố hôm nay là +14 điểm, tăng so với mức +5 hồi tháng 3. Thị trường Trung Quốc đại lục đi xuống từ đầu phiên với Shanghai Composite giảm 0,07% còn Shenzhen Component giảm 0,81%. Thị trường Hong Kong nghỉ lễ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit Trung Quốc tháng 6 là 51,3 điểm, thấp hơn so với mức 52 điểm hồi tháng 5. PMI sản xuất chính thức tháng 6, công bố ngày 30/6 cũng cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chững lại. PMI trên 50 điểm cho thấy sự mở rộng và ngược lại. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,44%. ASX 200 của Australia giảm 0,65%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 01/07, VN-Index tăng 8,53 điểm (0,61%) lên 1.417,08 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 165 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,4 điểm (0,74%) lên 325,72 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 92 mã giảm và 84 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,21%) lên 90,44 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 31.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 28.900 tỷ đồng, tăng 37,8% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chiếm 23.700 tỷ đồng, Khối ngoại bán ròng khoảng 240 tỷ đồng trên sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 (01/07) diễn ra với tâm lí giằng co đặc biệt trong phiên sáng, trước khi trở lên sôi động vào buổi chiều với dòng tiền đổ mạnh vào thị trường kéo theo sắc xanh lan tỏa rộng khắp thị trường. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 01/07 chứng kiến thanh khoản và giá trị giao dịch so với phiên 30/06 và 5 phiên trước đó. Đây là một tín hiệu khá tích cực trong bối cảnh mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang dần hé mở. Về diễn biến thị trường, VN-Index biến động mạnh trong phiên sáng 01/07 do tiếp tục ảnh hưởng bởi một số mã lớn giảm điểm ngay từ đầu phiên như CTG, và nhóm bank nói chung, bất chấp có sự giằng co và hồi phục nhưng vẫn có một số mã lớn vẫn đóng cửa trong sắc đỏ như  CTG (-0.6%); VHM (-0.7%); VIC (-0.3%) ... tuy nhiên mức giảm này không quá lớn. Ở chiều ngược lại là sự tích cực tới từ nhiều nhóm ngành đặc biệt là nhóm chứng khoán sau 3 phiên chững lại đã có một phiên bùng nổ mạnh mẽ tại hầu hết các mã trong đó có nhiều mã tăng kịch trần như BVS, MBS, BSI, CTS, AGR, mức tăng còn lại ở hầu hết các mã cũng lớn khoảng 4 -7 %. Đà tăng mạnh của chỉ số cũng đến từ nhiều mã vốn hóa lớn như GVR (+4%); MSN (+2.7%); HPG (+2.5%) GAS, PLX, BVH, FPT... Ngoài ra, dòng tiền còn lan tỏa tới nhiều mã đầu ngành, nhóm midcap đã điều chỉnh khá mạnh trong vài phiên gần đây như PPC ,GMD, KBC, DRC... có mức tăng trên 4%; SBT, HSG, KSB... có mức tăng trên dưới 2%. Về diễn biến thị trường sắp tới, với tín hiệu tích cực về điểm số kèm theo thanh khoản tăng và dòng tiền trở lại cho thấy xu hướng thời gian tới là khả quan, dòng tiền thời gian tới sẽ luân phiên giữa các nhóm ngành có kết quả kinh doanh khả quan và sự nâng đỡ thị trường sẽ tiếp tục đến từ 2 siêu cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB và VHM sẽ góp phần ổn định thị trường khi những ngành, mã tăng mạnh điều chỉnh.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội