ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 03/08/2021

03/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Mỹ đã đạt cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, muộn hơn gần một tháng so với mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra là vào ngày 4/7. Thông báo trên do Giám đốc Dữ liệu Covid-19 của Nhà Trắng Cyrus Shahpar công bố trên trang Twitter cá nhân. Ngoài ra, ông Shahpar cũng cho biết mức tiêm chủng bình quân trong 7 ngày tại Mỹ đạt 441.000 người, mức cao nhất trong hơn một tháng.

Ngày 2/8, GS. TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất về tiến độ sản xuất vắc-xin Nano Covax. Báo cáo của Công ty cho biết, hiện nay Công ty đang triển khai theo đề cương nghiên cứu, pha 3 được thử nghiệm trên 13.000 người, chia làm 2 giai đoạn nhỏ (3a: 1.000 người và 3b: 12.000 người). Kết quả D42 của 1.000 người pha 3a được thu thập cho thấy: 100% đối tượng được tiêm Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate trên ngưỡng 30%; 99,2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S gấp 4 lần so với nền. Song song với việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm cho khoảng 500.000 - 1.000.000 người). Sau khi nghe báo cáo của doanh nghiệp, GS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế rất mong sớm có vắc-xin tự sản xuất trong nước để bảo vệ người dân, để chúng ta chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc về vắc-xin nhập khẩu.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, 1.188.000 liều vắc-xin COVID-19 từ cơ chế COVAX đã tới Việt Nam vào ngày 2/8, nâng tổng số vắc-xin COVID-19 hỗ trợ cho Việt Nam lên 8.681.300 liều. Thông tin chính thức về lô vắc xin này được đăng tải trên trang web của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết: "Vắc xin COVID-19 là công cụ cứu sống con người, nhưng với nguồn cung hạn chế, biện pháp tốt nhất là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất. Khi số lượng các ca nhiễm tăng cao, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tăng cường nỗ lực tiêm vắc xin cho nhân viên y tế, người già và những người có bệnh nền để bảo vệ họ khỏi bị bệnh nặng và tử vong". Bà bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF thì nhấn mạnh vắc xin cần được phân phối cho các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và giáo viên để đảm bảo rằng trẻ em có thể trở lại trường học an toàn và được sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng cần thiết.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 97,31 điểm, tương đương 0,28%, xuống 34.838,16 điểm. S&P 500 giảm 8,1 điểm, tương đương 0,18%, xuống 4.387,16 điểm. Nasdaq tăng 8,38 điểm, tương đương 0,06%, lên 14.681,07 điểm. Chỉ có 4 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh, trong số đó có tiện ích và bất động sản – thường được coi là an toàn trong giai đoạn bất ổn. Thống đốc Fed Christopher Waller cuối phiên 2/8 nói ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu siết hỗ trợ kinh tế Mỹ vào tháng 10 nếu báo cáo việc làm trong hai tháng tới đều cho thấy số việc làm tăng từ 800.000 đến 1 triệu/tháng. Ông còn cho biết Fed có thể thông báo giảm quy mô mua trái phiếu hàng tháng vào tháng 9, khiến lợi suất trái phiếu tăng một lần nữa – không phải tin tốt cho Phố Wall. Số liệu cho thấy tăng trưởng sản xuất tại Mỹ chững lại trong tháng 7 – tháng thứ hai liên tiếp bởi chi  tiêu chuyển hướng từ hàng hóa sang dịch vụ và tình trạng thiếu nguyên liệu thô vẫn chưa kết thúc.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào thứ Hai, khi đầu cơ và thu nhập từ giao dịch thúc đẩy giá cổ phiếu biến động đáng kể. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên tăng 0,6%, dẫn đầu mức đà tăng là cổ phiếu bán lẻ tăng 1,8%, ngược lại cổ phiếu bảo hiểm giảm 0,6%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,16%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 1,82% còn Topix tăng 2,05%. Thị trường Trung Quốc ở chiều ngược lại với Shanghai Composite tăng 1,97%, Shenzhen Component tăng 2,245%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,06%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,65%. ASX 200 của Australia tăng 1,34%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc tháng 7 là 50,3 điểm, thấp hơn dự báo 51,1 điểm từ giới phân tích. Con số này hồi tháng 6 là 51,3 điểm. PMI chính thức của Trung Quốc công bố cuối tuần trước cũng cho thấy hoạt động sản xuất chững lại trong tháng 7, chỉ đạt 50,4 điểm, thấp hơn so với mức 50,9 điểm của tháng 6. PMI trên 50 điểm phản ánh sự mở rộng và ngược lại. Diễn biến Covid-19 tại khu vực tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều khu vực tại Nhật Bản bước vào tình trạng khẩn cấp từ hôm nay do số ca nhiễm mới tăng vọt, theo hãng tin Kyodo News. Trong khi đó, truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin chính quyền các cấp tại nước này đã triển khai biện pháp kiểm soát sau khi số ca nhiễm Covid-19 bùng phát ở thành phố Nam Kinh.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 02/08, VN-Index tăng 4,17 điểm (0,32%) lên 1.314,22 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng, 167 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,03%) lên 314,93 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 97 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,48%) lên 87,35 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên thứ Sáu tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 7,5%, riêng sàn HoSE, giá trị khớp lệnh giảm 8,8% xuống 18.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 300 tỷ đồng trên HoSE, trong đó tập trung gom SSI, HPG, HDB..

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Thị trường mở đầu phiên chiều 02/08 với đà tăng điểm được nối tiếp từ phiên sáng, tuy nhiên khi VN-Index gặp ngưỡng kháng cự 1.320 điểm đã bật giảm trở lại với tốc độ khá nhanh. Trong kịch bản giảm điểm thì chỉ số sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm mới được thiết lập trong phiên cuối tuần trước, nhưng lực cầu mạnh mẽ khiến chỉ số không giảm quá sâu và thực hiện nhịp điều chỉnh ngay trong phiên. Diễn biến phiên 02/08 là sự khởi đầu khá đẹp cho tuần giao dịch mới, VN-Index tỏ ra chắc chắn ở vùng biến động mới cao hơn là 1.300-1.320 điểm, tích lũy cho cú bật về vùng 1.350-1.370 điểm. Đồng thời các cổ phiếu có biến động luân phiên, đặc biệt trong nhóm mã dẫn dắt, cổ phiếu tăng nóng đã có nhịp điều chỉnh và cổ phiếu tăng chậm thì bứt phá lên.  Áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn trong một hai phiên tới, nhưng cơ hội mở rộng thêm của nhịp hồi phục vẫn được duy trì và vùng 1.30x điểm sẽ đóng vai trò là điểm đỡ gần cho chỉ số. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở thêm một phần vị thế T+ nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng giảm dần tỷ trọng ngắn hạn khi chỉ số tiến lên vùng mục tiêu sau đó.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội