ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 05/08/2021

05/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Người dân Mỹ đang “ôm” nợ nhiều hơn bao giờ hết. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chi tiêu và mua nhà qua thẻ tín dụng tăng vọt khiến nợ hộ gia đình tại Mỹ trong quý II tăng khoảng 313 tỷ USD, tương đương mức tăng 2,1%. Đây là mức tăng danh nghĩa lớn nhất kể từ năm 2007 và là mức tăng phần trăm lớn nhất trong 7 năm rưỡi. Tính đến cuối tháng 6, người tiêu dùng Mỹ nợ tổng cộng 14.960 tỷ USD, mức cao kỷ lục và nhiều hơn 812 tỷ USD so với số nợ ghi nhận được vào cuối năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra. Dư nợ thẻ tín dụng tăng 17 tỷ USD trong quý II, nhưng vẫn thấp hơn mức 140 tỷ USD vào cuối năm 2019. Dư nợ cho vay mua ôtô tăng thêm 33 tỷ USD. Nợ thế chấp, khoản nợ đóng góp lớn nhất vào tổng nợ hộ gia đình, tăng 282 tỷ USD lên 10.440 tỷ USD. Khoảng 44% số nợ chưa thanh toán là của năm 2020, trong đó bao gồm cả các khoản thế chấp mới và tái cấp vốn. Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường nhà ở Mỹ đang nóng và việc đi vay để mua nhà vẫn tăng cao.

Giá dầu Brent tương lai giảm 2,03 USD, tương đương 2,8%, xuống 70,38 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 2,41 USD, tương đương 3,4%, xuống 68,14 USD/thùng. Đây là giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 20/7. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho tại nước này bất ngờ tăng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7. Tồn kho xăng giảm sâu hơn dự báo 5,3 triệu thùng. Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới ngày 4/8 đã vượt mốc 200 triệu. Biến chủng Delta đang đe dọa những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và hệ thống y tế yếu kém. Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đang ứng phó với đà lây lan nhanh của Delta. Giới phân tích dự báo lực cầu nhiên liệu sẽ bị hạn chế khi Covid-19 bùng phát ở cả hai nước. Ngoài ra, thị trường năng lượng còn chịu sức ép khi bảng lương lĩnh vực tư nhân Mỹ tháng 7 kém xa kỳ vọng. Căng thẳng tại Trung Đông phần nào hỗ trợ thị trường. Ngày 3/8, 3 nguồn tin an ninh hàng hải cho rằng các lực lượng được Iran hậu thuẫn đã giữ một tàu chở sản phẩm từ dầu ngoài khơi bờ biển UAE. Iran bác bỏ thông tin này. Oman ngày 4/8 xác định con tàu trong vụ việc là Asphalt Princess, cờ Panama. Cơ quan thương mại hàng hải Anh trước đó nói vụ việc đã kết thúc. Đây là vụ tấn công vào tàu chở dầu thứ hai kể từ ngày 30/7 tại khu vực này. Anh và Mỹ cũng cáo buộc Iran liên quan vụ việc đầu tiên. Tehran bác bỏ.

Ngày 4/8, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về thời gian cách ly y tế tập trung, thời gian giãn cách đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Tại công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế thông tin, thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế) đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện như: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT- PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng; Hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SAR-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 323,73 điểm, tương đương 0,92%, xuống 34,792,67 điểm. S&P 500 giảm 20,49 điểm, tương đương 0,46%, xuống 4.402,66 điểm. Nasdaq tăng 19,24 điểm, tương đương 0,13%, lên 14.780,53 điểm. 9 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ. Công nghiệp và năng lượng đều giảm sau khi số liệu cho thấy bảng lương tư nhân tại Mỹ tăng không đạt kỳ vọng trong tháng 7, khả năng cao do thiếu lao động và nguyên liệu thô. Giá cổ phiếu General Motors giảm 8,9%, cho thấy sự bất ổn mà các hãng xe toàn cầu đang phải đối mặt trong bối cảnh gián đoạn kinh tế và công nghệ. Ford Motor giảm 5%.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu tăng điểm vào thứ Tư, khi các nhà đầu tư theo dõi thu nhập doanh nghiệp từ các công ty lớn trên toàn cầu, cùng với các dữ liệu kinh tế và diễn biến các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,3%. Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,3%, ngược lại cổ phiếu dầu khí giảm 0,7%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,94%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,21% còn Topix giảm 0,5%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,85% còn Shenzhen Component tăng 1,72%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,88%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc trong tháng 7 là 54,9 điểm, tăng so với mức 50,3 điểm trong tháng 6. PMI trên 50 điểm phản ánh sự mở rộng và ngược lại. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,34%. ASX 200 của Australia tăng 0,38%. Thị trường Malaysia giảm sâu nhất khu vực trong bối cảnh quốc gia này tiếp tục đối mặt bất ổn chính trị. Chỉ số KLCI giảm 0,62%. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố ông tiếp tục nhận sự ủng hộ đáng kể từ các nghị sĩ, bất chấp một số đồng minh và phe đối lập kêu gọi ông từ chức.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 04/08, VN-Index tăng 2,3 điểm (0,17%) lên 1.334,74 điểm. Toàn sàn có 213 mã tăng, 152 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,89 điểm (0,28%) lên 320,02 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 84 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 87,52 điểm.

Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 23.200 tỷ đồng, giảm 5,3%, trong đó, riêng sàn HoSE, giá trị khớp lệnh giảm 4,2% xuống 19.400 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng hơn 800 tỷ đồng và tập trung vào các cổ phiếu như VHM, STB, SSI, MBB...

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trong phiên giao dịch sáng 04/08, dòng tiền tiếp tục lan tỏa với sự khởi sắc của nhóm dầu khí và công ty chứng khoán, bên cạnh đó là sự ổn định của nhóm ngân hàng, giúp VN-Index bứt lên chinh phục ngưỡng 1.340 điểm. Tuy nhiên, đang là ngưỡng kháng cự trước mắt khá mạnh của thị trường trong nhịp hồi phục lần này, nên đã 2 lần thử sức, VN-Index đều thất bại và bị đẩy xuống. Bước vào phiên chiều 04/08, VN-Index một lần nữa thử thách ngưỡng 1.340 điểm ngay đầu phiên, nhưng thêm một lần nữa thất bại. Thậm chí, trong lần này, VN-Index chưa kịp đến ngưỡng 1.340 điểm đã bị đẩy lại sâu hơn nhiều 2 lần của phiên sáng. Có thể thấy, lực bán chốt lời T+ ở ngưỡng 1.340 điểm khá lớn, nên sau nhịp hồi nhẹ, một lần nữa áp lực chốt lời gia tăng đẩy VN-Index xuống thẳng dưới tham chiếu, xuyên thủng luôn ngưỡng 1.330 điểm khi đợt khớp lệnh liên tục còn 10 phút. Dù nhiều nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng với nhiều nhà đầu tư khác, nhịp điều chỉnh chính là cơ hội để mua vào, nên ngay khi VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.330 điểm, lực cầu chảy mạnh kéo chỉ số này trở lại, đóng cửa có thêm phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp. Dự kiến, VN-Index sẽ tiếp tục bị cản tại vùng quanh 1.340 điểm và có thể lùi bước tạm thời. Tuy nhiên, nhịp lùi bước (nếu có) chỉ mang tính chất cân bằng lại thị trường sau khi hoàn thành nhịp hồi phục. Do vậy, quý nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục chiến lược và chờ diễn biến cân bằng lại của thị trường, nhưng nên hạ tỷ trọng đối với các vị thế ngắn hạn hoặc các cổ phiếu đang chịu áp lực cản lớn. 

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội