ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 08/02/2021

02/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Thượng viện Mỹ bất ngờ hoãn bỏ phiếu dự luật đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD vào ngày 30/7, đặt ra một trở ngại mới đối với ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc tu bổ mạng lưới cầu đường của quốc gia. Thượng nghị sĩ John Cornyn của đảng Cộng hòa cho biết các thành viên đảng này lo ngại về những tác động đến tốc độ đường truyền Internet băng thông rộng. Còn theo lãnh đạo "số 2" của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, John Thune, các nghị sĩ có thể cần văn bản luật thực tế về gói đầu tư trên trước khi tiến hành bỏ phiếu. Theo các nghị sĩ khác, văn bản này vẫn chưa được hoàn tất.

Tờ Financial Times ngày 1/8 đưa tin hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna của Mỹ nâng giá bán vaccine Covid-19 trong các hợp đồng cung cấp gần đây nhất cho Liên minh châu Âu (EU). Báo trên dẫn các điều khoản trong hợp đồng cho thấy giá mới cho một liều vaccine của Pfizer là 19,5 euro (23,15 USD), cao hơn so với mức giá 15,50 euro trước đó. Trong khi đó, một quan chức thạo tin cho hay vaccine của Moderna cũng tăng lên thành 25,5 USD/liều, so với 19 euro trong hợp đồng mua sắm đầu tiên, song vẫn thấp hơn mức 28,5 USD thỏa thuận trước đó vì đơn đặt hàng tăng lên. Hiện Pfizer và Moderna chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. EU đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm có ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ vào cuối mùa hè này. Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng cho 4 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Hồi tháng 5, EU cho biết vào cuối tháng 9 tới sẽ có thể nhận được hơn một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 từ 4 hãng dược phẩm này.

Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các quận, huyện đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự tại đầu cầu Thành ủy Hà Nội. Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã qua 100 ngày. Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về công tác phòng chống dịch Covid- 19, Quốc hội đã quan tâm đặc biệt, đồng hành, ủng hộ rất cao cho Chính phủ. Đặc biệt, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số giải pháp cấp bách, biện pháp đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 149,06 điểm, tương đương 0,42%, xuống 34.935,47 điểm. S&P 500 giảm 23,89 điểm, tương đương 0,54%, xuống 4.395,26 điểm. Nasdaq giảm 105,59 điểm, tương đương 0,71%, xuống 14.672,68 điểm. Chốt tuần, Dow Jones và S&P 500 đều giảm 0,4%, Nasdaq giảm 1,1%. Chốt tháng 7, Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 tăng 2,3% còn Nasdaq tăng 1,2%. Đây là tháng tăng thứ 6 liên tiếp của S&P 500. Cổ phiếu Amazon giảm giá 7,6%, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, sau khi công ty công bố doanh thu quý II không đạt dự báo trung bình từ giới phân tích và thông báo tăng trưởng doanh thu giảm dần trong vài quý tới bởi khách hàng sẽ ra ngoài nhiều hơn. Cổ phiếu nhiều công ty công nghệ, internet từng diễn biến tốt trong đợt phong tỏa xã hội năm ngoái, bao gồm Alphabet và Google, hầu hết giảm.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào thứ Sáu sau khi các nhà đầu tư theo dõi các dữ liệu kinh tế tăng và thu nhập doanh nghiệp. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên giảm 0,4%, với hầu hết các sàn và ngành chính đều ở mức tiêu cực. Cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 2,5% trong khi cổ phiếu hóa chất tăng 1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,91%. Tại Nhật Bản, Nikkei giảm 1,8% còn Topix giảm hơn 1,37%. Reuters đưa tin sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng 6,2% trong tháng 6, tăng mạnh từ mức giảm 6,5%  trong tháng 5. Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo tăng 0,2%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,42%, Shenzhen Component giảm 0,29%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4%. Các cổ phiếu công nghệ có xu hướng giảm giá sau khi phục hồi phiên trước đó. Alibaba khoảng 4%, Tencent giảm 2,6% còn Meituan giảm gần 6%. Chỉ số Hang Seng Tech giảm 2,6%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,24%. ASX 200 của Australia giảm 0,33%. Thị trường theo dõi diễn biến Covid-19 tại Sydney, ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục hôm 29/7 bất chấp các biện pháp gia hạn phong tỏa. Nhà chức trách được cho là đã đề nghị quân đội hỗ trợ thực hiện lệnh phong tỏa.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Thị trường chứng khoán hồi phục trở lại sau 3 tuần giảm liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 26-30/7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng tăng 41,22 điểm (3,25%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 13,08 điểm (4,33%) lên 314,85 điểm. UPCoM-Index tăng 2,56 điểm (3,03%) lên 86,93 điểm.

Điểm tích cực của thị trường tuần qua là dòng vốn ngoại mua ròng trên cả 3 sàn giao dịch. Cụ thể, tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 176 triệu cổ phiếu, trị giá 8.219 tỷ đồng, trong khi bán ra 168 triệu cổ phiếu, trị giá 7.496 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 8,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 723 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Sự trở lại của các nhóm cổ phiếu trụ cột bank, chứng khoán, thép đã dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong vài phiên gần đây và tiếp tục được thể hiện rõ nét trong phiên cuối tuần 30/07. Trong phiên sáng 30/07, từ sự dẫn dắt của các nhóm bank, chứng, thép, dòng tiền đã lan tỏa ra nhóm bất động sản và nhiều mã khác, giúp VN-Index vượt mốc 1.300 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về số mã tăng. Bước sang phiên chiều, khi thấy ngưỡng 1.300 điểm được giữ chắc chắn, lực cầu tỏ ra tự tin hơn, giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng vượt qua ngưỡng 1.310 điểm. Dù có chút khó khăn cuối phiên, nhưng mốc 1.310 điểm đã được giữ vững khi chốt phiên giao dịch cuối tuần. Điều đáng chú ý, sau thời gian chờ đợi, dòng tiền lớn đã nhập cuộc trong đợt ATC, giúp thanh khoản tăng đột biến cuối phiên với gần 50 triệu đơn vị được khớp chỉ trong đợt ATC, qua đó giúp sàn HOSE lần đầu tiên sau 2 tuần giá trị giao dịch vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Dự báo trong phiên tới, VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1.315-1.320 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.325-1.330 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở những phiên điều chỉnh kỹ thuật.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội