ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 12/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Tại hội nghị trực tuyến ngày 10/7, các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ một động thái mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế. Vấn đề trên dự kiến sẽ là sáng kiến chính sách mới lớn nhất được nhất trí tại hội nghị, khép lại 8 năm tranh cãi về vấn đề thuế. Sáng kiến này sẽ được trình các nhà lãnh đạo G20 phê chuẩn cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở Rome (Italia) tháng 10. Thỏa thuận này sẽ đặt ra một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) ngày 9/7 thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. PBoC cho biết việc cắt giảm RRR sẽ được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 154 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn. Ngân hàng trung ương này cũng cho biết sau khi được điều chỉnh giảm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ ở mức 8,9%. PBoC sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, đồng thời duy trì thanh khoản ở mức hợp lý và dồi dào để tạo ra một môi trường tài chính tiền tệ phù hợp cho sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc và cải cách cơ cấu về nguồn cung.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động giảm lãi suất cho vay với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này. Đây là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị thành viên, các tổ chức tín dụng nêu ra tại hội nghị trực tuyến về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Tại hội nghị, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết dịch Covid-19 bùng phát gần 18 tháng qua đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Trong khi đó, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặt ra yêu cầu phải vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế. Lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ cũng cho biết thêm trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng và hệ thống. Tại hội nghị, Phó thống đốc đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 448,23 điểm, tương đương 1,3%, lên 34.870,16 điểm, vượt đỉnh lịch sử 34.786,35 điểm thiết lập hôm 2/7. S&P 500 tăng 48,73 điểm, tương đương 1,13%, lên 4.369,55 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.358,13 điểm thiết lập hôm 7/7. Nasdaq tăng 142,13 điểm, tương đương 0,98%, lên 14.701,92 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.665,06 điểm thiết lập hôm 7/7. Chốt tuần, Dow Jones tăng 0,2%, S&P 500 và Nasdaq tăng 0,4%. Lĩnh vực tài chính dẫn dắt thị trường đi lên, tiếp sau đó là năng lượng, vật liệu và công nghiệp. Các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase & Co sẽ bắt đầu mùa báo cáo lợi nhuận quý II trong tuần sau khi nhóm này công bố kết quả kinh doanh đầu tiên. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm, kết thúc đợt tăng liên tiếp 10 ngày. S&P 500 tài chính tăng 2,9%, ngày tăng nhiều nhất kể từ 1/3.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào thứ Sáu, phục hồi sau đợt bán tháo mạnh trong phiên trước đó trong bối cảnh lo ngại về sự phục hồi kinh tế. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa tăng 1,3%, với các nhà bán lẻ giảm 3,2%. Nhóm cổ phiếu khai khoáng dẫn đầu mức tăng, tăng 4%, với hầu hết các ngành và sàn lớn đều giảm. Cổ phiếu du lịch tăng 1,3% khi có thông tin Anh đang nới lỏng một số biện pháp phong tỏa.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,24%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,63%, sâu nhất khu vực, còn Topix mất 0,41%. Các nhà tổ chức sẽ cấm khán giả tại Olympic Tokyo trong bối cảnh Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì số ca nhiễm Covid-19 tăng. Thị trường Trung Quốc đại lục đi xuống từ đầu phiên với Shanghai Composite giảm 0,04% còn Shenzhen Component giảm 0,259%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Trung Quốc tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo tăng 1,3% từ giới phân tích. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dư báo từ thị trường. PPI tháng 5 tăng 9%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,07%. Hàn Quốc hôm nay thông báo khu vực đại đô thị Seoul sẽ phải thực hiện các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất – Cấp 4, theo hãng tin Yonhap. ASX 200 của Australia giảm 0,93%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường điều chỉnh khá mạnh trong tuần từ 5-9/7. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuốn 306,73 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.
Điểm tích cực của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại nhưng khác với tuần trước đó, dòng vốn này chủ yếu mua ròng thông qua khớp lệnh. Cụ thể, tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 259 triệu cổ phiếu, trị giá 12.600 tỷ đồng, trong khi bán ra 196 triệu cổ phiếu, trị giá 10.054 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 62,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.545 tỷ đồng.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Phiên giảm điểm ngày 08/07 khiến VN-Index rơi xuống dưới đường MA20, đặc biệt thanh khoản giảm rất mạnh nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận, tất cả đã ra một tín hiệu không tích cực cho chỉ số trong phiên cuối tuần 09/07. Đó là chưa kể tới sự trùng hợp khi thị trường chứng khoán thế giới đêm 08/07 có phiên giảm khá mạnh vì quan ngại về đà phục hồi kinh tế không như mong muốn. Giao dịch phiên sáng 09/07 diễn ra khá thận trong với lực cầu thấp chỉ có tính thăm dò. Khi các tín hiệu xác nhận rằng dòng tiền đã đứng ngoài cuộc chơi và chưa thể sớm quay lại thì lực bán ồ ạt tung ra ở giữa phiên chiều. VN-Index lao thẳng đứng và có thời điểm mất gần 40 điểm, rơi xuống mức thấp 1.335,9 điểm. Chỉ số chỉ bật lên khi chạm vào đường dưới của dải Bollinger Band. Mặc dù trong gần 30 phút cuối phiên, lực cầu có dấu hiệu gia tăng nhưng chưa đủ mạnh để giúp thị trường thoát khỏi phiên lao dốc. Chỉ số VN-Index bốc hơi gần 30 điểm và rơi xuống dưới vùng giá 1.350 điểm. Dự báo trong phiên đầu tuần, chúng tôi kỳ vọng vùng hỗ trợ gần 1.330-1.340 điểm, bao gồm MA50 ngày, có thể một lần nữa thúc đẩy lực cầu, qua đó giúp thị trường hồi phục trở lại trong phiên sáng. Tuy nhiên, về phiên chiều, thị trường có thể xuất hiện những nhịp giảm để VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ này một lần nữa. Nếu không bảo vệ thành công hỗ trợ này, VN-Index sẽ kéo dài mức giảm xuống vùng hỗ trợ 1.310-1.320 điểm và giằng co với lực mua giá thấp tại đây.
Analysis department of APG Securities Joint Stock Company
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 091 841 0277
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội