ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 13/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp kích thích hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế của liên minh, trong bối cảnh các nước chia rẽ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, cũng như hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính EU tại Brussels (Bỉ), bà Yellen nhấn mạnh: "Trong tương lai, điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải nghiêm túc xem xét các biện pháp tài khóa bổ sung để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ nội khối và toàn cầu". Mặc dù đánh giá cao các giải pháp kinh tế của EU trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bà Yellen vẫn lưu ý rằng: "Tình trạng bất ổn vẫn ở phía trước và chi tiêu công của châu Âu và Mỹ sẽ vẫn cần được hỗ trợ cho đến năm 2022". Bà Yellen cũng đề xuất thiết kế lại các quy tắc ngân sách của EU, kêu gọi các quốc gia cần nâng cao năng lực phản ứng nhanh chóng với khủng hoảng, ngay cả khi điều này làm gia tăng thâm hụt và nợ.
Nhằm siết kiểm soát dữ liệu cá nhân, Trung Quốc yêu cầu các công ty có dữ liệu trên 1 triệu người dùng phải trải qua cuộc đánh giá an ninh mạng trước khi IPO ở nước ngoài. Trong thông báo mới nhất, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc giải thích quy định mới nhằm tránh nguy cơ dữ liệu và thông tin cá nhân người dùng bị "ảnh hưởng, kiểm soát và khai thác ác ý bởi các chính phủ nước ngoài". Theo cơ quan này, việc đánh giá an ninh mạng cũng sẽ xem xét các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ( IPO ) ở nước ngoài. Thông báo này được đưa ra sau khi Trung Quốc mở cuộc điều tra gã khổng lồ gọi xe Didi Global với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng, chỉ vài ngày sau khi công ty này IPO trên sàn New York. Tính từ đầu năm đến nay, 37 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ, vượt qua con số của năm 2020, và huy động được tổng cộng 12,9 tỷ USD.
Dữ liệu khảo sát mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, làn sóng Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam đã làm giảm niềm tin của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu. Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, BCI gần như đã tăng trở lại mức trước đại dịch, đạt 73,9 điểm phần trăm trong quý I. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này và sự lan rộng của các biến thể mới đã khiến Chỉ số giảm gần 30 điểm trong quý II xuống còn 45,8%. Đây là một mức giảm đáng kể, mặc dù mức giảm không quá sâu như trong đợt bùng phát đại dịch lần đầu vào năm 2020. Làn sóng thứ tư cũng đã làm gia tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chỉ 1/5 thành viên EuroCham được hỏi (19%) tin rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới. Con số này đã giảm so với mức gần 2/3 (61%) trong quý I. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn tự tin về triển vọng tương lai của công ty mình. Hơn một nửa số người tham gia khảo (56%) dự đoán hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện trong quý III. 80% có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ. Điều này cho thấy rằng, bất chấp những thách thức ngắn hạn, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 126,02 điểm, tương đương 0,36%, lên 34.996,18 điểm, vượt đỉnh lịch sử 34.870,16 điểm thiết lập hôm 9/7. S&P 500 tăng 15,08 điểm, tương đương 0,35%, lên 4.384,63 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.369,55 điểm thiết lập hôm 9/7. Nasdaq tăng 31,32 điểm, tương đương 0,21%, lên 14.733,24 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.701,92 điểm thiết lập hôm 9/7. S&P 500 tài chính, dịch vụ viễn thông và bất động sản đều tăng hơn 0,8%. Cổ phiếu Tesla tăng giá hơn 4% và là lực đẩy chính của S&P 500, Nasdaq. CEO Elon Musk ngày 12/7 nhấn mạnh trước tòa rằng ông không kiểm soát Tesla, nói không thấy thoải mái khi là giám đốc điều hành công ty này khi biện họ về thương vụ mua lại SolarCity năm 2016. S&P 500 ngân hàng tăng 1,3% trước mùa báo cáo lợi nhuận quý II bắt đầu ngày 13/7 với các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, JPMorgan Chase. Cổ phiếu JPMorgan Chase tăng hơn 1% còn Goldman Sachs tăng hơn 2%, thúc đẩy Dow Jones đi lên. Nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt các báo cáo lợi nhuận quý II để xác định xem đà phục hồi kinh tế của Mỹ có thể kéo dài bao lâu. Lợi nhuận các công ty thuộc S&P 500 dự báo tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Refinitiv. S&P 500 đã tăng khoảng 17% kể từ đầu năm. Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi đợt tăng của Phố Wall còn kéo dài bao lâu và lo ngại nguy cơ đảo chiều.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Hai khi các nhà giao dịch xem xét thu nhập quý II từ các ngân hàng lớn của Mỹ trong tuần này. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa tăng 0,7%. Cổ phiếu dịch vụ tài chính và tiện ích có mức tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 1,5% và 1,4%. Du lịch là ngành duy nhất trong sắc đỏ, giảm 1,3%.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,79%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 2,25% còn Topix tăng 2,14%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,67% còn Shenzhen Component tăng 2,137%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,89%. ASX 200 của Australia tăng 0,83%. Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 9/7 thông báo hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, có hiệu lực từ tháng 7. RRR là số tiền các ngân hàng phải duy trì so với tổng tiền gửi để đảm bảo thanh khoản. RRR hạ giúp các ngân hàng có thêm nguồn tiền để cho vay các doanh nghiệp, cá nhân. Động thái này nhằm cho thấy Trung Quốc có “nhiều công cụ khác nhau để thực thi chính sách tiền tệ”, Raymond Yeung và Zhaopeng Xing của ANZ Research nhận định. Giảm RRR “gần như tương đương với nới lỏng diện rộng”, ước tính giúp các ngân hàng giải phóng gần 1.000 tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD). Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình Covid-19 tại châu Á – Thái Bình Dương.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 12/07, VN-Index giảm 50,84 điểm (-3,77%) xuống 1.296,3 điểm. Toàn sàn có 36 mã tăng, 374 mã giảm và 12 mã đứng giá. HNX-Index giảm 13,75 điểm (-4,48%) xuống 292,98 điểm. Toàn sàn có 30 mã tăng, 213 mã giảm và 27 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,66%) xuống 83,89 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 37.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 34.400 tỷ đồng, tăng 24% so với phiên thứ Sáu tuần trước. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 29.050 tỷ đồng, tăng 23,9%.
Khối ngoại mua ròng gần 1.400 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh các mã STB, SSI, HPG...
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Nhìn vào giao dịch phiên 12/07, tạm bỏ qua chuyện thị trường có phiên lao dốc mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán thì có một dấu hiệu đáng chú ý là lực cầu bắt đáy rất mạnh. Có thời điểm trong phiên chiều 12/07, lượng cổ phiếu giá sàn chất lớn biểu hiện của sự hoảng loạn và margin bị thoát ra, nhưng đều được hấp thu gần hết, đặc biệt ở các nhóm dẫn dắt chứng khoán và ngân hàng. Khối ngoại tiếp tục đi ngược thị trường khi tranh thủ các phiên giảm điểm mua vào rất mạnh. Về diễn biến phiên chiều 12/07, sau đợt hồi phục hơn 15 điểm trong 30 phút cuối phiên sáng với lực mua mạnh mẽ giá thấp, nhiều kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục trong phiên chiều, tuy nhiên đà hồi phục được duy trì trong ít phút mở cửa phiên giao dịch chiều rồi dập tắt. Lực cầu không đủ so với lực bán ra, lực bán xuất hiện như có chủ đích tác động tới các nhà đầu tư đang cố giữ cổ phiếu, đẩy lượng bán ra tăng đột ngột. Bán cắt lỗ và bán giải chấp margin. Tâm lý hoảng loạn thực sự xuất hiện trong phiên chiều nay sau khoảng 1 giờ giao dịch khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến bảng điện tử nhuốm đỏ với hơn 180 mã nằm sàn. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục nhất khi bốc bơi hơn 76 điểm và về sát vùng giá 1.270 điểm. Tại đây, dòng tiền bắt đáy gia tăng mạnh với tâm điểm hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, một lần nữa giúp VN-Index bật mạnh đi lên. Tuy nhiên, với việc thanh khoản xác lập kỷ lục chỉ đủ để giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm. Chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến thêm 1 phiên giảm sâu khi để mất hơn 50 điểm về dưới ngưỡng 1.300 điểm. Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể quay về vùng 1.312-1.315 điểm. Đồng thời, chỉ báo tâm lý giảm sâu vào vùng bi quan quá mức, cho nên chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể sẽ hồi phục kỹ thuật trong những phiên tới và sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn. Điểm tích cực chúng tôi nhận thấy là mức P/E TTM của chỉ số VN-Index đã giảm về mức 16,5x (gần với mức trung bình là 16,1x) cho thấy thị trường đang trở nên hấp dẫn trở lại trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán ra ở vùng giá hiện tại và có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp khi mức định giá đang trở nên hấp dẫn trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý là các nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này.
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 091 841 0277
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội