ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 14/07/2021

14/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Hôm thứ Ba (13/7), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, thị trường dầu mỏ thế giới có khả năng sẽ tiếp tục biến động mạnh sau khi các cuộc đàm phán giữa các thành viên OPEC+ bị đổ vỡ và tạo ra tình thế bất lợi. Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất, IEA cho biết, những người tham gia thị trường năng lượng đang theo dõi chặt chẽ triển vọng thâm hụt nguồn cung ngày càng nghiêm trọng nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận. OPEC+ đã từ bỏ các cuộc đàm phán vào tuần trước. Hầu hết các đại biểu tham dự đều dự kiến ​​đồng ý tăng sản lượng dầu khoảng 400.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, UAE đã từ chối các kế hoạch này và nhấn mạnh vào một đường cơ sở để có hạn ngạch cao hơn. Do đó, đã không có thỏa thuận nào đạt được về khả năng tăng sản lượng dầu thô sau cuối tháng 7, khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng trì trệ khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Reuters đưa tin hôm thứ Ba (13/7), OPEC+ đã không đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp giữa OPEC là Ả Rập Xê Út và UAE. Điều này làm cho triển vọng về một cuộc họp chính sách khác trong tuần này ít có khả năng xảy ra hơn. IEA dự kiến ​​nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5,4 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay và thêm 3 triệu thùng vào năm 2022, phần lớn không thay đổi so với dự báo của tháng trước.

Tiếp tục phiên họp thứ 58 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều 13/7, các đại biểu đã cho ý kiến về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu phấn đấu của chương trình này đến năm 2025 là, cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Liên quan đến khả năng bố trí vốn ngân sách Trung ương cho chương trình, theo Tờ trình của Chính phủ thì đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình dự kiến sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng, bằng 62,7% số vốn dành cho Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 107,39 điểm, tương đương 0,31%, xuống 34.888,79 điểm. S&P 500 giảm 15,42 điểm, tương đương 0,35%, xuống 4.369,21 điểm. Nasdaq giảm 55,59 điểm, tương đương 0,38%, xuống 14.677,65 điểm. 10 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, bất động sản, hàng tiêu dùng và tài chính đều giảm hơn 1%. S&P 500 và Nasdaq trong phiên có lúc lên đỉnh mới nhưng nhanh chóng đảo chiều sau khi kết quả phiên đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm cho thấy lực cầu yếu hơn so với kỳ vọng, đẩy lợi suất tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng mạnh nhất gần 13 năm còn CPI lõi, không tính đến năng lượng và thực phẩm, tăng 4,5%, mạnh nhất kể từ tháng 11/1991. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng tăng giá chủ yếu là tạm thời, giống như quan điểm về dài hạn của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Cổ phiếu JPMorgan Chase & Co giảm 1,5% sau khi ngân hàng này công bố lợi nhuận quý II khởi sắc nhưng cảnh báo triển vọng tươi sáng của nền kinh tế sẽ không mạng lại nguồn thu trong ngắn hạn bởi lãi suất thấp. Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 1,2% dù lợi nhuận quý II vượt dự báo. Citigroup, Wells Fargo và Bank of America dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý II vào ngày 14/7. Lợi nhuận các công ty thuộc S&P 500 dự báo tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Refinitiv. Thị trường hiện chú ý đến hai buổi điều trần trước quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 14 – 15/7 để xem bình luận của ông về áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ thời gian tới.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào thứ Ba trước báo cáo thu nhập từ một số ngân hàng lớn ở Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,1%, với cổ phiếu chăm sóc sức khỏe giảm 0,6% trong khi ngành viễn thông tăng 0,7%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,93%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,52% còn Topix tăng 0,73%. Thị trường Trung Quốc đi lên từ đầu phiên với Shanghai Composite tăng 0,53%, Shenzhen Component tăng 0,183%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,63%, dẫn đầu khu vực. Trung Quốc hôm nay công bố số liệu thương mại tháng 6 với xuất khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 23,1% từ giới phân tích. Nhập khẩu tăng 36,7%, cao hơn ước tính tăng 30%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,6%.  ASX 200 của Australia tăng giảm 0,02%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 13/07, VN-Index tăng 1,24 điểm (0,1%) lên 1.297,54 điểm. Toàn sàn có 265 mã tăng, 112 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,72 điểm (1,27%) lên 296,7 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 55 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,47 điểm (1,75%) lên 85,36 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm rất mạnh so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch đạt chỉ 19.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 15.050 tỷ đồng, giảm 50,4%, giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 51% xuống 14.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 200 tỷ đồng ở sàn HoSE trong phiên 13/7.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Sau phiên sáng giao dịch 12/07 trong sự thận trọng cao, thị trường bước vào phiên chiều với VN-Index bị đẩy mạnh, mất gần 18 điểm về dưới 1.280 điểm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường khá lạ khi các mã trụ lớn nhất thị trường "bị đè" như VCB, nhóm VIC, MSN,... trong khi số mã tăng vẫn chiếm ưu thế, tạo cảm giác chỉ số bị đè có chủ đích, đặc biệt sắp tới ngày là ngày chốt phái sinh (15/7). Khi sự nghi ngờ còn đang diễn ra thì dòng tiền bất ngờ nhập cuộc mạnh mẽ, chỉ có điều hướng tới các mã midcap và smallcap, "tránh" các mã lớn và nhóm ngân hàng. Đây là nhóm đã giảm sớm từ cuối tháng 6 trước khi thị trường rơi vào đợt điều chỉnh đầu tháng 7. Dòng tiền đặc biệt ưu tiên nhóm thị trường khi một loạt mã kết thúc phiên trong sắc tím, còn toàn thị trường số mã xanh chiếm áp đảo, gấp đôi số mã giảm điểm. Sự quật khởi của nhóm cổ phiếu nhỏ không giúp VN-Index bật mạnh, nhưng đủ có màu xanh khi hết phiên ATC. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, phiên giao dịch 13/07 chỉ là một phiên hồi phục kỹ thuật trong một xu hướng giảm. Dựa trên các diễn biến ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị những nhịp hồi phục là cơ hội tốt để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Bên cạnh đó, hành động bắt đáy ở thời điểm thị trường chưa có một dấu hiệu hồi phục đáng tin cậy nào có thể được xem là liều lĩnh.

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội