ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 15/07/2021

15/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Giá dầu Brent tương lai giảm 1,73 USD, tương đương 2,26%, xuống 74,76 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 2,12 USD, tương đương 2,82%, xuống 73,13 USD/thùng. Chênh lệch giữa giá hai loại dầu lớn nhất kể từ ngày 6/7, theo số liệu từ Refinitv Eikon. Giá dầu WTI giảm mạnh hơn do lo ngại liên quan lực cầu. Giá dầu bắt đầu giảm sau khi Reuters đưa tin Arab Saudi và UAE đạt thỏa hiệp giúp “mở khóa” thỏa thuận tăng sản lượng trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch. Tiếp đó, số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy lực cầu xăng giảm đáng kể trong tuần trước. Tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm 7,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 9/7, vượt dự báo giảm 4,4 triệu thùng từ giới phân tích và là tuần giảm thứ 8 liên tiếp, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP.HCM, Bộ Y tế đã quyết định cử các đoàn công tác tình nguyện vào thành phố mang tên Bác cùng người dân tham gia công tác chống dịch. Theo đó, gần 1000 y bác sĩ từ Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… sẽ bay vào TP.HCM từ 12/7 đến 20/7/2021 để tham gia hỗ trợ vào các công tác xét nghiệm tầm soát, tiêm chủng và tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến nhằm nâng cao hiệu suất công tác điều trị. Các y bác sĩ sẽ được chuyên chở trên các chuyến bay Vietjet từ khắp cả nước về TP.HCM trong khuôn khổ các hỗ trợ của hãng hàng không này cùng Chính phủ, Bộ Y tế và người dân chống dịch. Trong ngày 13/7, chuyến bay VJ165 của Vietjet từ Hà Nội vào TP.HCM cũng mang theo những lô vaccine Pfizer, đây là số vaccine được phân bổ cho TP.HCM để nhanh chóng thực hiện mục tiêu tiêm chủng của thành phố trong giai đoạn cao điểm này. Tại buổi làm việc chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ sẽ ưu tiên khoảng 25% tổng số vaccine phòng COVID-19 của cả nước cho TP.HCM để đến hết tháng 7/2021 tiêm ít nhất khoảng 2 triệu liều cho người dân thành phố.

Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Romania Klaus Iohannis vào chiều 14/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với bề dày lịch sử hơn 70 năm giữa Việt Nam và Romania, đồng thời khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Romania tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn Tổng thống Klaus Iohannis về sự đón tiếp nồng hậu mà Tổng thống và Chính phủ Romania đã dành cho Đoàn cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Romania tháng 4 năm 2019 với cương vị là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Romania đã hết sức tích cực ủng hộ, thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6/2019 trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Romania cũng như việc Romania là một trong ba nước thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Trong đó, Hiệp định Thương mại Tự do bước đầu đã có những tác động tích cực đến hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái vẫn tăng 10%, đạt gần 300 triệu USD.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 44,44 điểm, tương đương 0,13%, lên 34.933,43 điểm. S&P 500 tăng 5,09 điểm, tương đương 0,12%, lên 4.374,38 điểm, trong phiên có lúc chạm 4.393,68 điểm, cao nhất lịch sử. Nasdaq giảm 32,7 điểm, tương đương 0,22%, xuống 14.644,95 điểm. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, tiện ích, bất động sản và hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất, khoảng 0,9%, còn chiều ngược lại là năng lượng, giảm khoảng 3%. Chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tạo ra “sự hỗ trợ mạnh mẽ” cho nền kinh tế cho đến khi “quá trình phục hồi hoàn tất”, chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước quốc hội Mỹ ngày 14/7. Bình luận trên được đưa ra sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng mạnh nhất gần 13 tháng còn chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng vượt dự báo. Nhà đầu tư gần đây chú ý đến lạm phát do nhiều người lo ngại Fed có thể thắt chặt chính sách sớm hơn và số ca nhiễm Covid-19 tăng có thể đẩy Phố Wall lao dốc. Mùa báo cáo lợi nhuận quý II bắt đầu với giới phân tích ước tính tăng trưởng EPS 66% đối với các công ty trong S&P 500, theo Refinitiv. S&P 500 đã tăng gần 16% kể từ đầu năm.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào thứ Tư khi các nhà đầu tư phản ứng với số liệu lạm phát của Hoa Kỳ ​​và những nhận xét từ Chủ tịch Fed Jerome Powell. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,1%, với cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 1%, ngược lại nhóm tài nguyên cơ bản tăng 1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,25%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,38% còn Topix giảm 0,23%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 1,07%, Shenzhen Component giảm 0,875%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,69%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,2%. ASX 200 của Australia tăng 0,31%. Kinh tế Singapore quý II tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 14,2% từ giới phân tích. Tuy nhiên, kinh tế Singapore vẫn suy giảm 2% nếu so với quý trước.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Chốt phiên 14/07, VN-Index giảm 17,63 điểm (-1,36%) xuống 1.279,91 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 234 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng trở lại 0,15 điểm (0,05%) lên 296,84 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 89 mã giảm và 181 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,8 điểm (-0,93%) xuống 84,56 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 22.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 19.600 tỷ đồng (tăng 14,8% so với phiên trước), riêng sàn HoSE, giá trị khớp lệnh tăng 19% lên 7.100 tỷ đồng. 

Khối ngoại mua ròng hơn 320 tỷ đồng trên HoSE ở phiên 14/7.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trong phiên giao dịch sáng 14/07, sau khi lên thử thách vùng 1.300 điểm thất bại, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.276 - 1.280 điểm, với thanh khoản có sự cải thiện so với phiên sáng qua, dù không quá lớn. Bước vào phiên chiều 14/07, lực cung gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đẩy nhiều mã của nhóm dẫn dắt này giảm mạnh, qua đó kéo VN-Index lao thẳng xuống ngưỡng 1.265 điểm, trước khi bất trở lại. Dù chỉ số nảy trở lại, nhưng lực cầu bắt đáy ở các nhịp thị trường giảm rất thấp và thanh khoản chung thị trường dù tăng so với phiên 13/07, nhưng vẫn ở mức dưới 20.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi điều gì đó. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang tỏ ra thận trọng, chờ đợi các tay to hành động, nhất là thời điểm chốt phái sinh đang đến gần (ngày 15/7). Việc VN-Index giảm điểm, nhưng với thanh khoản giảm trong hai phiên gần đây cho thấy áp lực phân phối ở các vùng giá thấp không quá lớn, ngay cả tại các nhịp phá đáy. Vùng hỗ trợ 1.26x điểm vẫn đang là điểm đỡ đáng lưu ý cho chỉ số trong ngắn hạn và tín hiệu phục hồi khi chạm hỗ trợ về cuối phiên đang để ngỏ khả năng bước vào nhịp hồi phục trong những phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tiếp tục gia tăng vị thế trading khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội