ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 19/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Từ tháng 8 đến tháng 12, OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng tăng thêm 400.000 thùng/ngày, OPEC cho biết trong thông báo hôm nay. OPEC+ còn nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng đến cuối năm 2022 thay vì tháng 4/2022 như hiện tại, cho phép liên minh có dư địa để hành động trong trường hợp đà phục hồi kinh tế thế giới chững lại vì các biến thể virus mới. OPEC+ cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, từ tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu. Hạn chế này được nới lỏng dần và hiện còn giảm 5,8 triệu thùng/ngày. Tại cuộc họp hồi đầu tháng 7, các bên xuất hiện bất đồng, không đưa ra được quyết sách nguồn cung cho tháng 8 làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giá.
Trong một cuộc họp kín hôm 16/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đề xuất 5 ưu tiên trong giai đoạn hai của cuộc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2, theo Guardian. Các ưu tiên bao gồm "điều tra các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu liên quan hoạt động tại khu vực nơi phát hiện các ca lây nhiễm đầu tiên vào tháng 12/2019". Người đứng đầu WHO cũng đề nghị các điều tra viên tập trung "nghiên cứu các khu vực địa lý ưu tiên có dấu hiệu sớm nhất về sự lây lan của virus SARS-CoV-2". Tổng giám đốc Tedros đồng thời kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu đối với các chợ buôn bán động vật bên trong cũng như xung quanh thành phố Vũ Hán, nơi Covid-19 lần đầu tiên được ghi nhận.
Đại diện đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 16/7 thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao về việc nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vaccine Moderna thông qua Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI). Mỹ hồi tuần trước chuyển cho Việt Nam hai triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết mục tiêu là đảm bảo công bằng tiêm chủng toàn cầu, chấm dứt đại dịch ở khắp mọi nơi. Nhà Trắng tháng trước công bố kế hoạch chia sẻ vaccine cho thế giới, trong đó 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế COVAX. 14 triệu liều được chuyển đến các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 16 triệu liều cho châu Á và khoảng 10 triệu liều đến châu Phi. Mỹ cũng sẽ chuyển trực tiếp 14 triệu liều tới những quốc gia và khu vực có nhu cầu, trong đó có Việt Nam, Philippines, Iraq. Việt Nam đặt mục tiêu mua 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho 70% dân số, tới nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều. Trong số này gồm 38,9 triệu liều do chương trình COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều được Pfizer ký với chính phủ và 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam. Việt Nam cũng đang đàm phán mua thêm 55 triệu liều vaccine, bao gồm 40 triệu liều Sputnik V và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đàm phán với Ấn Độ.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 299,17 điểm, tương đương 0,86%, xuống 34.687,85 điểm. S&P 500 giảm 32,87 điểm, tương đương 0,75%, xuống 4.327,16 điểm. Nasdaq giảm 115,9 điểm, tương đương 0,8%, xuống 14.427,24 điểm. Chốt tuần, S&P 500 giảm 1%, Dow Jones giảm 0,5%, Nasdaq giảm 1,9%. Đây là tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần của cả ba chỉ số. Cổ phiếu Amazon, Apple giảm giá hơn 1%, Nvidia giảm 4,2% kéo tụt S&P 500 và Nasdaq. S&P 500 công nghệ giảm gần 1%, phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi chạm đỉnh lịch sử ngày 14/7. S&P 500 tiện ích tăng 1%, bất động sản tăng 0,1%. Ngày 15/7, hạt Los Angeles thông báo sẽ áp quy định đeo khẩu trang từ cuối tuần này. Ngày 16/7, giới chức y tế nói số ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ tăng 70% so với tuần trước, số ca tử vong tăng 26%. Trong tuần, nhà đầu tư phải cân bằng giữa lo ngại lạm phát tăng với sự trấn an từ chủ tịch Fed Jerome Powell rằng xu hướng tăng giá chỉ là tạm thời. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang diễn ra với giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 so với cùng kỳ năm ngoái là 72%, theo Refinitiv. S&P 500 đã tăng khoảng 15% kể từ đầu năm và nhà đầu tư đang tìm kiếm lý do cho mức định giá cao này.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa giảm điểm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư theo dõi dữ liệu kinh tế, thu nhập doanh nghiệp và sự lây lan của biến thể Covid-19 đang tiếp tục tăng cao. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên giảm 0,3%, với các công ty khai thác giảm 2,8% trong khi phần lớn các ngành và sàn giao dịch chính kết thúc phiên trong sắc đỏ.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,38%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,98% còn Topix giảm 0,38%. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) hôm nay hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 3,8%, thấp hơn so với con số 4% đưa ra hồi tháng 4. BOJ giữ mục tiêu kiểm soát đường cong lợi suất ở -0,1% đối với lãi suất ngắn hạn, 0% với trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,71% còn Shenzhen Component giảm 1,299%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,28%. ASX 200 của Australia tăng 0,17%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thêm một tuần giao dịch nữa VN-Index đi xuống, theo đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 12-16/7, VN-Index đứng ở mức 1.299,31 điểm, tương ứng giảm 48,83 điểm (-3,55%) so với tuần trước đó. Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 1,75 điểm (-2,01%) xuống 85,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ trở lại 1,03 điểm (0,34%) lên 307,76 điểm.
Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm sáng của thị trường, trong đó, dòng vốn này mua vào 271,4 triệu cổ phiếu, trị giá 12.016 tỷ đồng, trong khi bán ra 198,8 triệu cổ phiếu, trị giá 9.636 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức gần 72,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.381 tỷ đồng (giảm 6,4% so với tuần trước đó).
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Diễn biến phiên chiều 16/07 là một bản sao của phiên sáng, lực cung yếu và thị trường được kéo lên vượt mốc 1.300 điểm với VN-Index, nhưng sau đó sức mua không được duy trì và thị trường lại giảm điểm trước khi tăng nhẹ trở lại vào cuối phiên. Thanh khoản tiếp tục là điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại, 2 phiên liên tiếp HOSE chỉ giao dịch ở quanh mức 15.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều các phiên trước. Thanh khoản thấp trong điều kiện điểm số tăng phản ánh lượng bán ra yếu, nhưng thanh khoản thấp trong xu hướng chung là giảm điểm ngắn hạn của VN-Index cũng phản ánh một lượng tiền lớn đã thoát ra và chưa quay lại thị trường. Điểm tích cực phiên cuối tuần 16/07 là số mã tăng điểm tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với số mã giảm, dù không lớn, cho thấy phiên tăng điểm này khá "thật", nhiều mã cổ phiếu đã có lực mua vào sau chuỗi giảm điểm mạnh đầu tháng 7 này. Tăng điểm với thanh khoản thấp, VN-Index phản ánh xu hướng tích lũy tiếp tục diễn ra trong vùng 1.270-1.300 điểm, xu hướng trung hạn tạm chưa được xác định. Về kỹ thuật, phiên cuối tuần 16/07 tạo cây nến Doji, cho thấy khả năng trong phiên đầu tuần 19/07 sẽ có phiên giảm điểm nhẹ, nhưng khả năng cao sẽ vẫn trong vùng tích lũy như đề cập phía trên.
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 091 841 0277
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội