ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 20/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Giá dầu Brent tương lai giảm 4,97 USD, tương đương 6,8%, xuống 68,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 8, đáo hạn ngày 20/7, giảm 5,39 USD, tương đương 7,5%, xuống 66,42 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 9 giảm 5,21 USD xuống 66,35 USD/thùng. OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, ngày 18/7 đạt thỏa hiệp nâng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu – lên đỉnh hơn hai năm trong tháng 7.
Anh sẽ chính thức bước vào "Ngày Tự do" (cách gọi của truyền thông địa phương) từ 0h ngày 19/7 (giờ địa phương) sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, quy định dỡ bỏ phong tỏa được đưa ra do hầu hết dân số trưởng thành của Vương quốc Anh hiện đã được tiêm 2 mũi vaccine. Mặc dù cả xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có tỷ lệ người dân được tiêm phòng cao nhưng chỉ riêng vùng England thực hiện bước đi táo bạo này. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng giúp hạn chế các ca bệnh nặng và ca tử vong, song số ca mắc vẫn gia tăng không ngừng. Ngoài ra, có rất ít bằng chứng cho thấy vaccine có thể ngăn chặn những ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 đối với người bị mắc. Kể từ ngày 19/7, hầu như tất cả các hạn chế ở vùng England sẽ được dỡ bỏ. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ không còn nữa, giới hạn về số người có thể tụ tập trong nhà hoặc ngoài trời sẽ chấm dứt, giãn cách xã hội chỉ được áp dụng với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và tại sân bay. Các địa điểm khác như câu lạc bộ đêm hay sân vận động sẽ được tự do mở cửa để hoạt động hết công suất.
Ngày 19/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật khu vực mang tính tiên phong dài 6 năm đã giúp tăng cường năng lực của các hệ thống y tế tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm ứng phó những nguy cơ y tế do biến đổi khí hậu trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dự án Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS) đã giúp 3 quốc gia thông qua các kế hoạch thích ứng y tế cấp quốc gia để giải quyết những rủi ro về sức khỏe liên quan tới thời tiết, bao gồm nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, căng thẳng do nhiệt, và tiêu chảy. Dự án đã hoàn thành các đánh giá chi tiết về tính dễ tổn thương và khả năng thích ứng cho 14 tỉnh có nguy cơ cao ở các quốc gia này và đào tạo hơn 1.300 cán bộ ngành y về biến đổi khí hậu và thích ứng y tế. Ngoài ra, hơn 600 nhà hoạch định chính sách ở khu vực nhà nước và tư nhân đã tham gia các phiên họp và hội thảo vận động chính sách cấp cao, tập trung vào những chiến lược thích ứng y tế quốc gia và điều phối giám sát và ứng phó dịch bệnh, cùng các hoạt động khác.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 725,81 điểm, tương đương 2,09%, xuống 33.962,04 điểm. S&P 500 giảm 68,67 điểm, tương đương 1,59%, xuống 4.258,49 điểm. Nasdaq giảm 152,25 diểm, tương đương 1,06%, xuống 14.274,98 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones trong gần 9 tháng, của Nasdaq và S&P 500 từ giữa tháng 5. Toàn bộ 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều chìm sâu trong sắc đỏ. S&P 500 Năng lượng lao dốc theo giá dầu, mất 3,6%, ngày tệ nhất kể từ tháng 3. Tâm lý sợ rủi ro còn đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lao dốc, kéo theo đó là giá cổ phiếu ngân hàng. S&P 500 Ngân hàng giảm 3,3%. Biến chủng Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tăng mạnh, chủ yếu là trong nhóm người chưa được tiêm vaccine. Cổ phiếu du lịch và nghỉ dưỡng lao dốc với S&P 1500 Hàng không giảm 3,8%, S&P 1500 Khách sạn và Nhà hàng giảm 2,7%. Chỉ số CBOE VIX, thước đo sợ hãi trên Phố Wall, tăng 4,1 điểm lên 22,5 điểm, cao nhất hai tháng. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tiếp diễn với 41 công ty trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 90% số này vượt ước tính, theo Refinitiv. Giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý II của S&P 500 là 72% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn con số 54% đưa ra hồi đầu quý III.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm mạnh vào thứ Hai khi các nhà đầu tư theo dõi thông báo mới nhất của OPEC + liên quan đến sản lượng dầu và các trường hợp Covid-19 gia tăng. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 1,2%, với cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 2,5% khi tất cả các ngành và sàn giao dịch chính đều rơi vào vùng tiêu cực.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,39%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,25%, Topix giảm 1,3%. Thị trường Trung Quốc trái chiều với Shanghai Composite giảm 0,01%, Shenzhen Component tăng 0,138%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,84%, sâu nhất khu vực. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1%. ASX 200 của Australia giảm 0,85%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 19/07, VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống 1.243,51 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 346 mã giảm và 21 mã đứng giá. HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 186 mã giảm và 142 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm (-3,27%) xuống 82,55 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 25.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 23.200 tỷ đồng, tăng 41% so với phiên thứ Sáu tuần trước. Giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tăng 48,9% lên 20.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 101 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh CCQ FUEVFVND, KDH, HPG...
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Kết thúc phiên thứ Sáu tuần trước (16/7), đa số các nhận định vẫn cho rằng, VN-Index sẽ có nhịp tăng thêm để kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ở vùng 1.320 điểm trước. Điều này đã không xảy ra khi tình hình dịch bệnh trở lên phức tạp và nhiều địa phương, và sáng đầu tuần ngày 19/07 chứng khoán mở cửa với sắc đỏ bao trùm. Điều may mắn trong nửa đầu phiên sáng 19/07 là lực bán dường như không quá mãnh liệt khiến VN-Index dù giảm điểm nhưng chưa đến mức bán tháo. VN-Index lúc giảm sâu nhất cũng chỉ trong khoảng 3% xuống ngưỡng quanh 1.260 điểm, chốt phiên sáng là mức điểm thấp nhất 1.257,87 điểm. Vấn đề là số điểm thấp nhất này cũng đủ phá đáy giảm điểm của VN-Index 2 tuần qua (1.264,68 điểm ghi nhận vào phiên 14/7). Trong diễn biến phiên chiều 19/07, diễn biến đáng chú ý so với phiên sáng đó là MSN không còn giữ được mức giá xanh, trong nhóm VN30 còn duy nhất Nhà Khang Điền (KDH) tăng điểm. Việc cổ phiếu trụ như MSN giảm điểm đã góp thêm màu đỏ cho VN30 và VN-Index phiên. Điểm nhấn toàn thị trường vẫn như phiên sáng đó là nhóm cổ phiếu y tế và dược phẩm tăng điểm. Trong nhóm này, Dược Bến Tre (DBT) thậm chí còn giữ được sắc tím đến cuối phiên. Còn toàn HOSE số mã có giá tích cực quá ít bởi chỉ có 50 mã tăng điểm, 21 mã giữ được giá tham chiếu. Dự báo trong phiên tới, áp lực giải chấp có thể khiến VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.2301.240 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.210-1.220 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 091 841 0277
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội