ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 22/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Giá dầu Brent tương lai tăng 2,88 USD, tương đương 4,2%, lên 72,23 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 3,1 USD, tương đương 4,6%, lên 70,3 USD/thùng. Giá dầu đang trên đà phục hồi sau khi lao dốc khoảng 7% hôm 19/7, sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, từ tháng 8 đến tháng 12. Đà bán tháo gia tăng vì lo ngại sự trỗi dậy của biến chủng Delta ở các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Nhật Bản ảnh hưởng lực cầu năng lượng. Tồn kho dầu thô tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/7 tăng 2,1 triệu thùng lên 439,7 triệu thùng, tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 5, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trái ngược dự báo giảm 4,5 triệu thùng từ giới phân tích. Tồn kho xăng và sản phẩm tinh chế lần lượt giảm 121.000 thùng và 1,3 triệu thùng. JPMorgan dự báo lực cầu toàn cầu trung bình 99,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 5,4 triệu thùng/ngày so với tháng 4.
Ngày 21/7, VEPR công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% trong quý II/2021. Tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trong 6 tháng đầu năm. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất gặp nhiều bất lợi vào cuối quý II với dịch bệnh Covid-19 quay trở lại Việt Nam vào tháng 5. Ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống sự lây lan của đợt dịch thứ 4, nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong quý II/2021. Trong tháng 4, theo đà tăng trưởng của quý I/2021, giúp chỉ số PMI đạt 54,7 điểm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bắt đầu trở lại vào đầu tháng 5, cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch đã làm cho chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép các loại trong tháng 6 đạt gần 708 nghìn tấn, giá trị hơn 325 triệu USD, giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng 13% về giá trị so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu phế liệu sắt thép đạt gần 3,5 triệu tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, tăng 32% về lượng và tăng gần 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu lượng lớn phế liệu thép từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, Australia và Hong Kong. Đáng chú ý, trong tháng 6, nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Mỹ đạt 274.000 tấn, tương đương 124,5 triệu USD, tăng hơn 2 lần về lượng và giá trị so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập khẩu phế liệu sắt thép của Mỹ tăng mạnh, đạt hơn 814.000 tấn, tương đương hơn 337 triệu USD, tăng 2,5 lần lượng, tăng 4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 24% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 286,01 điểm, tương đương 0,83%, lên 34.798 điểm. S&P 500 tăng 35,63 điểm, tương đương 0,82%, lên 4.358,69 điểm. Nasdaq tăng 133,08 điểm, tương đương 0,92%, lên 14.631,95 điểm. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, năng lượng tăng mạnh nhất 3,5% theo giá dầu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhạy cảm với kinh tế, bán dẫn và tài chính diễn biến vượt trội so với thị trường chung. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thoát đáy 5 tháng sau một phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm không mấy sôi động. Gói chi tiêu hạ tầng lưỡng đảng 1.200 tỷ USD đang gặp trở ngại ở quốc hội với phe Dân chủ tại Thượng viện muốn bỏ phiếu như kế hoạch, bất chấp phía Cộng hòa kêu gọi trì hoãn. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II diễn ra tích cực với 73 công ty thuộc S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 88% trong số này vượt kỳ vọng.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng vào thứ Tư, khi các nhà đầu tư theo dõi công bố thu nhập và động lực tích cực ở Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã tăng 1%, với cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 2,2% đã dẫn đầu mức tăng khi tất cả các ngành và sàn giao dịch chính giao dịch đầy tích cực.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,12%. Thị trường Nhật Bản dẫn đầu khu vực với Nikkei 225 tăng 0,58% còn Topix tăng 0,82%. Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 48,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, cao hơn dự báo tăng 46,2% từ giới chuyên gia. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,73% còn Shenzhen Component tăng 1,341%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,26%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,52%. ASX 200 của Australia tăng 0,78%. Doanh số bán lẻ của Australia tháng 6 giảm 1,8% so với tháng 5 sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 21/07, VN-Index giảm 2,5 điểm (-0,2%) xuống còn 1.270,79 điểm. Toàn sàn có 188 mã tăng, 171 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,1%) xuống 300,8 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 99 mã giảm và 173 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,61 điểm (0,73%) lên 84,3 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 18.200 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh là 14.700 tỷ đồng, giảm 24%, trong đó, riêng sàn HoSE là 12.700 tỷ đồng, giảm 24%.
Khối ngoại bán ròng gần 1.400 tỷ đồng trên sàn HoSE.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Thị trường tiếp tục tăng điểm để hướng tới vùng 1.280 - 1.290 điểm trong phiên sáng 21/07, nhưng lực cầu vẫn chưa đủ tự tin, khiến VN-Index 3 lần thất bại khi test lại ngưỡng 1.280 điểm. Sau 3 lần thất bại khi test ngưỡng 1.280 điểm trong phiên sáng, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại xuống dưới tham chiếu trong phiên chiều 21/07 do dòng tiền quá yếu. Nhìn chung chúng tôi cho rằng, lực cầu sẽ chưa sớm trở lại khi tâm lý nhà đầu tư lúc này là vẫn đang rất thận trọng và thông tin hỗ trợ duy nhất lúc này có lẽ đến từ kết quả kinh doanh quý II. Không chỉ riêng thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy đây là diễn biến kém tích cực gần đây là hiện trạng chung của chứng khoán trong khu vực trước lo ngại về biến chủng Covid Delta. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm, những nhịp hồi phục là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng danh mục.Trong chiều hướng mua, cần kiên nhẫn chờ thêm những tín hiệu tích cực rõ ràng hơn.
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 091 841 0277
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội