ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 23/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,56 USD, tương đương 2,2%, lên 73,79 USD/ounce. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,61 USD, tương đương 2,3%, lên 71,91 USD/ounce. OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, từ tháng 8 đến tháng 12 để hạ nhiệt giá, đáp ứng lực cầu. Tuy nhiên lực cầu được dự báo vượt cung trong nửa cuối năm nay, Morgan Stanley ước tính giá dầu Brent sẽ trên 75 USD/thùng cho đến hết năm. Nga có thể bắt đầu cấm xuất khẩu xăng từ tuần sau nếu giá nhiên liệu trong nước giữ ở mức hiện tại, theo Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov, cho thấy nguồn cung còn thắt chặt. Các nhà phân tích tại Barclays cũng dự đoán tồn kho dầu toàn cầu giảm nhanh hơn, về mức trước đại dịch, khiến ngân hàng này nâng giá dầu dự báo năm 2021 thêm 3 – 5 USD lên trung bình 69 USD/thùng,
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ cam kết duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế lâu hơn để đảm bảo mục tiêu lạm phát và không đưa ra thêm biện pháp mới. Hội đồng Điều hành ECB ngày 22/07 họp chính sách, lần họp đầu tiên kể từ khi ECB đưa ra điều chỉnh với mục tiêu lạm phát hồi đầu năm, sau giai đoạn đánh giá chiến lược dài 18 tháng về vai trò của cơ quan này trong nhiều lĩnh vực, từ lạm phát đến biến đổi khí hậu. ECB cho rằng các giai đoạn lạm phát siêu thấp như hiện tại đòi hỏi sự hỗ trợ “đặc biệt mạnh hoặc lâu dài” – công thức có vẻ khó để áp dụng vào chính sách thực tế. 25 thành viên trong Hội đồng Điều hành nhất trí đôi khi chấp nhận lạm phát vượt một chút so với mục tiêu 2% nhằm tránh bị rơi vào tình trạng lãi suất thấp, lạm phát thấp. Tuy nhiên, họ từng bất đồng hồi đầu tháng 7 về cách cân đo chính sách để phù hợp với cam kết đó. Sự bất đồng này có thể tái xuất hiện trong cuộc họp hôm nay. Những nhà lập chính sách bảo thủ như thống đốc ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann sẽ không nhượng bộ. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng sẽ phải thỏa hiệp hoặc từ bỏ kỳ vọng về sự đồng thuận.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-7 bằng hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết 3 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 Mordena sẽ đến Việt Nam vào ngày 25-7 tới. Đây là lô vắc-xin do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua cơ chế Covax (COVAX facility - Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng với UNICEF là đối tác triển khai chính. Vắc-xin Moderna, có tên khác là Spikevax, sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer, được tổ chức WHO phê duyệt ngày 30-4-2021. Vaccine này có hiệu quả phòng bệnh 90%. Vắc-xin này mỗi liều 0,5 ml chứa 100 mcg mRNA, bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm bắp. Quy cách đóng gói là hộp chứa 10 lọ đa liều; mỗi lọ đa liều chứa 10 liều 0,5 ml. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vắc-xin Moderna có hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin Spikevax, hay Moderna, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam là đơn vị đề nghị phê duyệt.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 25,35 điểm, tương đương 0,07%, lên 34.823,35 điểm. S&P 500 tăng 8,79 điểm, tương đương 0,2%, lên 4.367,48 điểm. Nasdaq tăng 52,64 điểm, tương đương 0,36%, lên 14.684,6 điểm. Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, công nghệ tăng mạnh nhất 0,7%. Ở chiều ngược lại là cổ phiếu năng lượng. Nhóm cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế khiến S&P 500 và Dow Jones tăng không đáng kể. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ diễn biến kém. Các cổ phiếu công nghệ và liên quan công nghệ như Microsoft, Amazon, Apple, Facebook và Alphabet tăng trước khi các công ty này công bố kết quả kinh doanh quý II vào tuần sau. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng lên 419.000, cao nhất hai tháng, theo Bộ Lao động Mỹ. Nhiều nhà đầu tư đang theo dõi sát những chỉ báo của thị trường lao động để xác định khi nào Fed bắt đầu thảo luận về tăng lãi suất. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tiếp tục với 104 công ty thuộc S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 88% số này vượt kỳ vọng.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Năm, phản ánh động lực tích cực trên toàn cầu sau một tuần giao dịch ảm đạm. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,9%, dẫn đầu mức tăng là cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 2,6% khi tất cả các ngành ngoại trừ hàng gia dụng được giao dịch ở mức tích cực.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,25%. Thị trường Nhật Bản nghỉ lễ. Thị trường Trung Quốc đi lên từ đầu phiên với Shanghai Composite tăng 0,34%, Shenzhen Component tăng 0,326%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,83%, trong nhóm tăng mạnh nhất khu vực. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,07%. ASX 200 của Australia tăng 1,06%. Cổ phiếu hãng khai mỏ BHP tăng 3,13% sau khi thông báo ký thỏa thuận cung ứng nickel với Tesla. Lo ngại liên quan Covid-19 vẫn phủ bóng tâm lý nhà đầu tư khu vực. Hai bang lớn nhất của Australia ngày 21/7 ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt trong khi Indonesia có số ca tử vong vì đại dịch cao kỷ lục.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 22/07, VN-Index tăng 22,88 điểm (1,8%) lên 1.293,67 điểm. Toàn sàn có 308 mã tăng, 79 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,17 điểm (1,72%) lên 305,97 điểm. Toàn sàn có 143 mã tăng, 56 mã giảm và 169 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,27 điểm (1,51%) lên 85,57 điểm.
Thanh khoản cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 20.100 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 17.600 tỷ đồng, tăng 20% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 18%.
Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng và tập trung vào các mã như VIC, KDH...
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Diễn biến phiên sáng 22/7, dòng tiền đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngay từ sớm, kéo không ít cổ phiếu tăng mạnh. Dòng tiền sau đó lan tỏa rộng ra các nhóm khác, giúp VN-Index lên test lại lần nữa ở mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh để giúp chỉ số chinh phục được ngưỡng cản này. Trong phiên giao dịch chiều 22/07, ngoài yếu tố dòng tiền, điểm nổi bật vẫn là sự lan tỏa. Toàn bộ VN30 đã không còn sắc đỏ, chỉ duy nhất VJC đóng cửa ở giá tham chiếu. Nhóm ngân hàng đâu đó có sự dè dặt nhất định khi không ghi nhận mức tăng giá đột biến ở các mã lớn, nhưng lực mua ở nhóm này đang cải thiện tốt giúp tạo kỳ vọng nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường thời gian tới. Một loạt mã "có câu chuyện" đã được đề cập ở các bản tin trước như KDH, FRT, CTR, BMI, ASM... trong các ngành cấp nước, cung cấp năng lượng, thực phẩm, xây dựng dân dụng, bất động sản, bảo hiểm,... tiếp tục có được nhịp tăng mạnh, một số mã hút vốn tốt với giá được kéo lên trần. Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng kháng cự gần 1.295-1.300 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.305-1.310 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
--------------------------
CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG
☎️ 091 841 0277
💻 http://www.apsi.vn/
🏢 32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội