ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 25/08/2021

25/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Giá dầu Brent tương lai tăng 2,3 USD, tương đương 3,4%, lên 71,05 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,9 USD, tương đương 2,9%, lên 67,54 USD/thùng. Giá dầu đã tăng hơn 8% trong tuần, phục hồi sau khi giảm 7,6% tuần trước – tuần giảm mạnh nhất hơn 9 tháng. Giá dầu được thúc đẩy sau khi một cơ sở dầu mỏ ngoài khơi Mexico cháy hôm 22/8, làm giảm 25% sản lượng của công ty dầu quốc doanh Mexico Pemex. 5 công nhân thiệt mạng và ngọn lửa xóa bỏ sản lượng 421.000 thùng/ngày. Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 24/8 cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tuần trước giảm 1,6 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 1 triệu thùng. Bộ Năng lượng Mỹ ngày 23/8 thông báo sẽ bán tới 20 triệu thùng dầu thô từ Kho dầu Dự trữ Chiến lược để tuân thủ quy định, việc giao nhận diễn ra từ ngày 1/10 đến 15/12. Trong khi đó, sản lượng dầu thô tiêu thụ của các cơ sở lọc dầu Ấn Độ trong tháng 7 lên cao nhất 3 tháng nhờ lực cầu nhiên liệu phục hồi và giá tăng.

Ngày 24/8, Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) tiếp tục chương trình nghị sự. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Hải Hà làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp của Ủy ban này. Kéo dài liên tục 4 giờ, thay vì hai giờ như dự kiến ban đầu, Ủy ban Chính trị đã thảo luận thông qua Báo cáo Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 12, xem xét về 4 dự thảo Nghị quyết gồm: Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN (do Brunei Darussalam đề xuất); Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN (do Malaysia đề xuất); Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN (do Thái Lan đề xuất); Sự hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar (do Indonesia đề xuất). Với dự thảo Nghị quyết về tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN vấn đề được nhiều ý kiến đề cập là khi nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ thì yêu cầu đảm bảo an ninh số càng được nhấn mạnh và cần phát triển kỹ thuật số đáp ứng được các thách thức mới của thời đại cũng như kêu gọi Chính phủ có chương trình bảo vệ an ninh mạng, nâng cao nhận thức của người dân. Do vậy, nghị quyết này có mục đích tăng cường hợp tác giữa các Quốc hội/nghị viện để bảo đảm an ninh mạng, kêu gọi thành viên AIPA tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để bảo vệ dữ liệu trong môi trường mạng.Tại phiên làm việc này, Đoàn Việt Nam đề xuất tăng cường hợp tác trên kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai chính sách công nghệ và an toàn an ninh mạng; thông tin về các mối đe dọa về an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch Covid-19.

Ngày 24/08, WB công bố báo cáo điểm lại tháng 8 với chủ đề “Việt Nam Số hóa - Con đường tới tương lai”, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 4,8%, thấp hơn con số 4,9% dự báo trước đó. Đây là lần thứ 2 WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. WB cho rằng con số 4,8% vẫn là dự báo tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang chịu những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý III và tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi của nền kinh tế được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, với 70% dân số được tiêm chủng vào giữa năm 2022. Hơn 1 tháng trước, ADB cũng công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm, áp dụng biện pháp giãn cách kéo dài ở những cực tăng trưởng, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 30,55 điểm, tương đương 0,09%, lên 35.366,26 điểm. S&P 500 tăng 6,7 điểm, tương đương 0,15%, lên 4.486,23 điểm, vượt đỉnh 4.479,71 điểm thiết lập hôm 16/8. Nasdaq tăng 77,15 điểm, tương đương 0,52%, lên 15.019,8 điểm, vượt đỉnh 14.942,65 điểm thiết lập hôm 23/8. Đây là phiên lập đỉnh thứ 50 của S&P 500 trong năm nay. Cổ phiếu công nghệ và liên quan đến công nghệ tiếp tục là lực đẩy chính, nhóm cổ phiếu kinh tế mang tính chu kỳ và vốn hóa nhỏ cũng diễn biến tốt hơn thị trường chung.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ vào thứ Ba khi các nhà đầu tư theo dõi thông tin từ việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận đầy đủ vắc-xin Pfizer / BioNTech. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã tăng 0,1%, dẫn đầu mức tăng là nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,5% trong khi các ngân hàng giảm 0,5%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,82%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,87%, Topix tăng 1%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,07%, Shenzhen Component tăng 0,878%. Hang Seng của Hong Kong tăng 2,46% với cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại thành phố tăng mạnh. Tencent tăng 8,81%, Meituan tăng gần 13,51%, Alibaba tăng 9,47%. Hang Seng Tech tăng 7,06%. Reuters đưa tin Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ bắt đầu công bố các yêu cầu đối với công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại New York, động thái nhằm tăng nhận thức rủi ro cho nhà đầu tư. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,55%. ASX 200 của Australia tăng 0,17%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 24/08, VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,01%) xuống 1.298,74 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 228 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%) xuống 331,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 91,13 điểm.

Thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.985 tỷ đồng, giảm 11,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 14,4% và đạt 21.215 tỷ đồng.

Khối ngoại giữ được trạng thái mua ròng trên HoSE đến cuối phiên với giá trị ở mức hơn 130 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Sau phiên sáng 24/08 giao dịch phân hóa và giảm nhẹ, thị trường gần như không có diễn biến đáng chú ý nào thêm về điểm số, khi mà VN-Index chỉ gần như đi ngang dưới vùng giá thấp, trước khi có nhịp nảy trở lại về tham chiếu nhờ có thêm một số bluechip đảo chiều tăng nhẹ thành công. Về mặt kỹ thuật thì phiên 24/08 chỉ số tạo thành một cây nến rút chân với thân ngắn cho thấy áp lực bán đã giảm bớt và vùng hỗ trợ 1.270 (+|- 10 điểm) đang phát huy tác dụng đỡ thị trường. Khả năng thị trường sẽ có nhịp tăng nhẹ vào ngày mai, tuy nhiên, để xác định đáy của nhịp giảm này vẫn cần chờ thêm thời gian. Thị trường giảm điểm chủ yếu do áp lực từ các mã vốn hoá lớn, với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu chứng khoán phiên 24/08 thì bộ 3: ngân hàng, thép, chứng khoán đều đã giảm khá mạnh. VN-Index tăng mạnh nửa đầu năm nhờ nhóm này, thì giờ đây đang trả lại số điểm mà 3 dòng cổ phiếu đã tạo ra. Trong giai đoạn này, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên giải ngân mới mà nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm các diễn biến mới, đặc biệt là thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như những diễn biến mới trên thị trường tài chính quốc tế.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội