ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 30/07/2021
- TIN NỔI BẬT
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,31 USD, tương đương 1,75%, lên 76,05 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,23 USD, tương đương 1,7%, lên 73,62 USD/thùng. Số liệu từ Genscape cho thấy tồn kho tại Cushing, bang Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI của Mỹ, tiếp tục giảm. Tồn kho tại Cushing là 36,299 triệu thùng vào chiều 27/7, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7. Tồn kho tại Cushing được công bố một ngày sau khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho tại Mỹ giảm 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/7. Giá dầu Brent vượt 75 USD/thùng lần đầu tiên sau hơn 2 năm hồi tháng 6 rồi giảm trong tháng 7 vì lo ngại liên quan biến chủng Delta và thỏa thuận tăng sản lượng từ OPEC+. Đà phục hồi kinh tế vẫn tốt bất chấp sự lây lan của Covid-19, Fed cho biết hôm 28/7.
Sáng 29/7 theo giờ địa phương, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) đã công bố ước tính về GDP nước này trong quý II/2021. Theo đó, GDP quý 2 của Mỹ đạt 6,5%, cách xa so với dự kiến là 8,4% và chỉ lớn hơn một chút so với mức 6,3% của quý 1. Con số 6,5% được cho là rất "khủng" so với trước đại dịch nhưng lại ít hơn đáng kể so với mức tăng 8,4% của Dow Jones. Tổng đầu tư tư nhân nội địa của Mỹ giảm 3,5% do hàng tồn kho và đầu tư của hộ gia đình cho nhà ở mới (residential investment) kìm hãm mức tăng. Tiêu dùng cá nhân đạt 11,8%, cao hơn một chút so với dự báo 10,5%. Tuy nhiên, con số này lại không quá ấn tượng so với mức tăng trưởng 11,4% của quý 1. Dẫu vậy, tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm 69% hoạt động kinh tế, cùng các khoản đầu tư cố định ngoài nhà ở, xuất khẩu và chi tiêu của chính quyền bang lẫn địa phương cũng góp phần thúc đẩy sản lượng kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm mạnh xuống còn 1,97 nghìn tỷ USD từ mức 4,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn trước. Trong quý 2/2020, kinh tế Mỹ giảm 31,4% nhưng đã phục hồi được 33,4% trong khoảng thời gian 3 tháng tiếp theo, đưa kinh tế Mỹ trở lại trạng thái bình thường. Chính vì thế, mức tăng 6,5% của quý 2/2021 sẽ là mức tăng mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý 3/2003.
Việt Nam và Ấn Độ đang có những bàn bạc cụ thể để đầu tư xây dựng Công viên Dược phẩm tại Việt Nam. Vừa qua, tại TP. Hyderabad, Thủ phủ Bang Telangana, Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Tập đoạn SMS Pharmaceuticals của Ấn Độ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề "Phát triển Công viên Dược phẩm tại Việt Nam". Telangana là trung tâm sản xuất dược phẩm của Ấn Độ với hơn 800 công ty nghiên cứu và sản xuất sinh phẩm, đóng góp 35% tổng sản lượng thuốc, tạo ra công ăn việc làm cho 120.000 lao động. Tổng trị giá ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ lên tới 40 tỷ USD. Tại Hội nghị, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã kết nối nhóm các nhà đầu tư Ấn Độ với đại diện của các chính quyền địa phương tại Việt Nam nhằm giới thiệu và thúc đẩy ý tưởng xây dựng các Công viên Dược phẩm (pharma park) - khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược để đón các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất dược của Ấn Độ cũng như quốc tế đến Việt Nam. Mô hình này đã được triển khai rất thành công tại Hyderabad và các địa phương khác của Ấn Độ, biến nước này thành cường quốc sản xuất dược phẩm lớn thứ ba thế giới.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 153,6 điểm, tương đương 0,44%, lên 35.084,53 điểm. S&P 500 tăng 18,51 điểm, tương đương 0,42%, lên 4.419,15 điểm. Nasdaq tăng 15,68 điểm, tương đương 0,11%, lên 14.778,26 điểm. Dow Jones và S&P 500 trong phiên đều chạm đỉnh lịch sử, lần lượt là 35.171,52 điểm và 4.429,97 điểm. S&P 500 bất động sản cũng vậy nhưng đóng cửa giảm 0,2%. Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong quý II, đưa GDP vượt đỉnh trước đại dịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại chậm hơn so với dự báo từ giới chuyên gia. Cổ phiếu Ford Motor tăng giá 3,8% sau khi công ty nâng dự báo lợi nhuận cho năm nay. Cổ phiếu Yum Brands đơn vị sở hữu KFC, tăng 6,3% nhờ có doanh số quý II vượt kỳ vọng. Số liệu kinh tế kém hơn kỳ vọng một chút vẫn giúp trấn an nhà đầu tư lo ngại “chính sách tiền tệ nới lỏng” của Fed sẽ sớm biến mất, Peter Tuz, chủ tịch Chase Investment Counsel, Charlottesville, bang Virginia, nói. Nhà đầu tư còn ghi nhận “một số thông tin lợi nhuận tốt trong phiên 29/7”. Về phía giảm, cổ phiếu Facebook mất 4% khi công ty cảnh báo tăng trưởng doanh thu sẽ “giảm đáng kể” bởi bản cập nhật gần đây của Apple với hệ điều hành iOS ảnh hưởng đến khả năng quảng cáo theo mục tiêu của gã khổng lồ mạng xã hội. Hơn nửa số công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý II, gần 91% trong số này vượt kỳ vọng. Tăng trưởng lợi nhuận quý II hiện được kỳ vọng là 87,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Năm khi các nhà đầu tư đánh giá lợi nhuận lớn của các công ty và theo dõi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% sau hai ngày họp chính sách. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã tăng 0,5%, với cổ phiếu dầu khí tăng 2,3% nhờ thu nhập mạnh mẽ từ các chuyên gia năng lượng, trong khi cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 0,7%.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 2,1%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,73%, Topix tăng 0,41%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,49%, Shenzhen Component tăng 3,045%. Hang Seng của Hong Kong tăng 3,3%, tiếp tục phục hồi sau khi giảm hơn 8% trong hai phiên đầu tuần. Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong từng bị bán tháo hồi đầu tuần cũng tăng mạnh. Tencent tăng 10,02%, Alibaba tăng 7,7%, Meituan tăng 9,49%. Chỉ số Hang Seng Tech tăng 8%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,18%. ASX 200 của Australia tăng 0,52%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 29/07, VN-Index tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm. Toàn sàn có 227 mã tăng, 125 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,72 điểm (1,54%) lên 310,97 điểm. Toàn sàn có 115 mã tăng, 80 mã giảm và 174 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,39%) lên 86,14 điểm.
Đà tăng của thị trường được nới rộng về cuối phiên khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đua nhau bứt phá, SSI tăng 3,1%, VND tăng 5,3%, ACB tăng 3%...
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 19.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 17.450 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên trước, riêng sàn HoSE là 14.500 tỷ đồng, tăng 26%.
Khối ngoại bán ròng 71 tỷ đồng trên HoSE.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Sau phiên sáng 29/07 khởi sắc cả về thanh khoản và điểm số, thị trường bước vào phiên chiều với áp lực bán gia tăng khiến VN-Index rung lắc đầu phiên. Tuy nhiên, với sự chắc chắn từ nhóm dẫn dắt là bank, chứng khoán và thép, dòng tiền lan tỏa dần ra các nhóm khác giúp VN-Index bật lại mạnh hơn, đóng cửa vượt qua ngưỡng cản 1.290 điểm, đóng cửa phiên 29/07 ở mức cao nhất ngày. Mặc dù sẽ gặp áp lực rung lắc khi thử thách vùng cản gần tại 1.30x điểm, nhưng với tín hiệu vừa mới break lên khỏi nền tích lũy đi ngang và thanh khoản đang dần cải thiện, cơ hội duy trì xu hướng hồi phục sau đó tiếp tục được đánh giá cao cho chỉ số với vùng đích kỳ vọng tại quanh 1.330 (+/- 5) điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh các quyết định mua đuổi giá cao và có thể cân nhắc chốt lời từng phần vị thế ngắn hạn khi VN-Index tiếp cận vùng đích kỳ vọng đã đề cập.
--------------------------
CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG
☎️ 091 841 0277
💻 http://www.apsi.vn/
🏢 32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội