ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 23/08/2021
- TIN NỔI BẬT
Theo báo cáo hàng tháng vừa công bố của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sản lượng khai thác dầu thô của Iran trong tháng 7 đạt 2,485 triệu thùng/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu của OPEC cho thấy ngành dầu mỏ Iran sản xuất 1,936 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2020. Sản lượng dầu thô trung bình của quốc gia Trung Đông này trong quý II ở mức 2,443 triệu thùng/ngày, tăng 224.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong quý I. Với việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, sản lượng dầu thô của nước này giảm mạnh từ 2,356 triệu thùng/ngày năm 2019, xuống còn 1,988 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Tuy nhiên, Iran nâng dần sản lượng khai thác để bù đắp cho một phần sản lượng bị sụt giảm. Báo cáo của OPEC cho biết thêm giá dầu nặng của Iran trong tháng 7/2021 tăng 1,3 USD lên 72,98 USD/thùng, tương đương mức tăng 1,8% so với tháng trước đó.
Cho đến nay, vaccine của Pfizer/BioNTech mới chỉ được phê duyệt cho tình huống khẩn cấp. New York Times cho biết FDA cố gắng hoàn thành quy trình từ hôm 20/8. Tuy vậy, họ còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính và đàm phán với đơn vị sản xuất vaccine. Nguồn tin lo ngại quá trình phê duyệt có thể bị lùi sau ngày 23/8 nếu một số thủ tục cần nhiều thời gian để hoàn thiện. FDA từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Trước đó, cơ quan này tự đưa ra thời hạn không chính thức cho việc phê duyệt vaccine là ngày lễ lao động của Mỹ (6/9). Với việc vaccine của Pfizer/BioNTech được phê duyệt chính thức, các tổ chức sẽ có thể đưa ra yêu cầu mới về việc tiêm vaccine đối với nhân viên của mình. Giới chức y tế kỳ vọng việc phê duyệt này cũng sẽ giúp nhiều người tiêm vaccine hơn, khi họ không còn ngần ngại một vaccine “chỉ được phê duyệt cho tình huống khẩn cấp”.
Vào thứ Sáu (20/8), Trung Quốc đã thông qua luật bảo vệ dữ liệu, đặt ra các quy tắc cứng rắn hơn về cách các công ty thu thập và xử lý thông tin người dùng. Các quy tắc này đã bổ sung vào những động thái mà Bắc Kinh đang thắt chặt quy định, đặc biệt là về dữ liệu và điều này có thể ảnh hưởng đến cách các mà các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc hoạt động. Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) lần đầu tiên đưa ra một bộ quy tắc toàn diện xoay quanh việc thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu trong khi trước đây được điều chỉnh bởi luật từng phần. Theo truyền thống nhà nước, PIPL đã được cơ quan lập pháp của Trung Quốc thông qua vào thứ Sáu (20/8) sau nhiều lần dự thảo. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng của luật vẫn chưa được công bố. Một dự thảo luật trước đó cho biết rằng người thu thập dữ liệu phải được sự đồng ý của người dùng để thu thập dữ liệu và người dùng có thể rút lại sự đồng ý đó bất cứ lúc nào. Các công ty xử lý dữ liệu không thể từ chối cung cấp dịch vụ cho những người dùng không đồng ý thu thập dữ liệu người dùng trừ khi dữ liệu đó cần thiết cho việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Ngoài ra còn có các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc chuyển dữ liệu của công dân Trung Quốc ra nước ngoài. Các công ty vi phạm các quy tắc có thể bị phạt.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 225,96 điểm, tương đương 0,65%, lên 35.120,08 điểm. S&P 500 tăng 35,87 điểm, tương đương 0,81%, lên 4.441,67 điểm. Nasdaq tăng 172,88 điểm, tương đương 1,19%, lên 14.714,66 điểm. 11 lĩnh vực trong S&P 500 đều chốt phiên trong sắc xanh với cổ phiếu công nghệ và tiện ích tăng mạnh nhất. Chốt tuần, S&P 500 giảm 0,6%, Dow Jones giảm 1,1% còn Nasdaq giảm 0,7%. Các cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường và nhóm vốn hóa lớn có liên quan công nghệ, vượt qua đại dịch tốt nhất, tiếp tục là lực đẩy chính của Phố Wall. Cổ phiếu tăng trưởng còn hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm vì lo ngại cuộc khủng hoảng y tế hiện tại có thể cản trở đà phục hồi kinh tế lâu hơn. Đà tăng của nhóm cổ phiếu liên quan mở cửa kinh tế bị hạn chế phần nào khi các quốc gia châu Á thông báo áp biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt để ứng phó Covid-19. Các số liệu kinh tế trái chiều từ Mỹ và Trung Quốc cho thấy đà phục hồi đã vượt đỉnh và đang có dấu hiệu chững lại. Thị trường hiện chú ý đến sự kiện thường niên của Fed tại bang Wyoming tuần sau để tìm kiếm gợi ý liên quan siết chương trình hỗ trợ kinh tế từ ngân hàng trung ương Mỹ. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang vào giai đoạn cuối với 476 công ty trong S&P 500 đã công bố lợi nhuận, 87,4% số này vượt kỳ vọng chung, theo Refinitiv.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào thứ Sáu, nhưng giảm mạnh trong tuần, khi các nhà đầu tư theo dõi các vấn đề như chính sách tiền tệ toàn cầu và số ca nhiễm Covid-19. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu tăng 0,3%, dẫn đầu mức tăng là các cổ phiếu bán lẻ, tuy nhiên chỉ số này đã giảm 1,5% trong tuần, đây là tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2, theo dữ liệu của Reuters. DAX của Đức đóng cửa tăng 0,17% sau khi giá sản xuất tăng mạnh hơn dự kiến, ghi nhận mức tăng 1,9% so với tháng 7.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,04%. Tại Nhật Bản, Nikkei giảm 0,98% còn Topix giảm 0,87%. Cổ phiếu ngành ôtô Nhật Bản tiếp tục bị bán mạnh sau khi Toyota Motor ngày 19/8 thông báo sẽ giảm 40% sản lượng trên toàn cầu trong tháng 9 so với kế hoạch. Cổ phiếu Toyota Motor giảm 4,09%, Nissan Motor giảm 7,25%, Honda Motor giảm 4,84%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 1,1%, Shenzhen Component giảm 1,832%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,83%. Trung Quốc hôm nay giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và LPR 5 năm lần lượt ở 3,85% và 4,65%, như dự báo từ giới phân tích và nhà đầu tư. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,2%. ASX 200 của Australia giảm 0,05%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 20/8, VN-Index đứng ở mức 1.329,43 điểm giảm 27,62 điểm (-2,04%) so với tuần trước đó. Trong khi đó, HNX-Index vẫn giữ được đà tăng với 1,1 điểm (0,33%) lên 338,06 điểm. UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (0,53%) lên 92,7 điểm.
Đa phần các nhóm ngành cổ phiếu chính đều đi xuống trong tuần qua. Trong số 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán thì có đến 19 mã giảm, trong đó, VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) gây bất ngờ nhất khi giảm sâu 9,9% và là nhân tố chủ chốt đẩy VN-Index đi xuống.
Nhóm ngân hàng có một tuần giao dịch không tốt khi 25/27 mã thuộc nhóm ngành đều giảm giá ở tuần từ 16-20/8, trong đó, MSB của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) và NVB của Ngân hàng Quốc Dân (HNX: NVB) đều giảm trên 7%.
Nhóm ngành chứng khoán, y tế, dược phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực bất chấp sự rung lắc mạnh của nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác. Trong top 10 cổ phiếu tăng giá sàn HoSE đều có sự góp mặt của các nhóm ngành này. Trong đó, APG của Chứng khoán APG (HoSE: APG) tăng giá mạnh nhất với 39,6%. Trong tuần, APG đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Trong phiên sáng cuối tuần (16/08-20/08), áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và mạnh dần về cuối phiên sáng, thị trường có một phiên rực lửa với chỉ số mất tới gần 2,5% và đa số các mã giảm giá mạnh. Thị trường nới rộng đà giảm trong phiên chiều với mức giảm điểm của VN-Index trong phiên có thời điểm lên tới gần 55 điểm, xuyên qua một loạt ngưỡng hỗ trợ và chỉ bật trở lại khi chạm mốc 1.320 điểm. VIC vẫn là tác nhân lớn nhất tác động tới chỉ số khi giảm giá gần hết biên độ (hơn 6%). Tiếp theo đó chính là nhóm ngân hàng, đây cũng là nhóm bị bán mạnh ngay từ phiên sáng, với sự góp mặt của gần hết các ngân hàng với mức giảm giá rất sâu 2-4% trong phiên hôm nay. Nhóm trụ cột khác là thép cũng tương tự với sự góp mặt của 2 gương mặt chính là HPG và HSG. Nhóm cổ phiếu trụ có tín hiệu tích cực duy nhất trong phiên sáng là nhóm cổ phiếu chứng khoán bước sang phiên chiều cũng bị bán mạnh theo đà giảm chung của thị trường. Duy nhất chứng khoán APG đóng vai hoa hậu khi kết phiên vẫn có mức giá trần với dư mua hơn 1 triệu cổ phiếu. Với việc rớt điểm mạnh phiên cuối tuần 20/08, VN-Index khép lại một tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Đồ thị kỹ thuật tuần vẫn chưa chuyển trạng thái xấu khi tạo một nến đỏ nằm trên đường trung bình giá 20 tuần, khối lượng giao dịch đạt mức tốt dù chưa đạt kỷ lục như tuần thứ 2 tháng 4. Dự báo trong phiên giao dịch tới, áp lực bán có thể khiến VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.320-1.325 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.310-1.315 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Analysis department of APG Securities Joint Stock Company
--------------------------
CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG
☎️ 091 841 0277
💻 http://www.apsi.vn/
🏢 32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội