ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 11/06/2021

11/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

"Tại hội nghị thượng đỉnh G7, các lãnh đạo thế giới dự kiến thông báo họ sẽ cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới và đặt ra kế hoạch mở rộng sản xuất vaccine để đạt mục tiêu đó" vào năm 2023, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố hôm 10/6. Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho 92 quốc gia nghèo và có thu nhập dưới trung bình. Anh, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, nói thêm rằng họ sẽ tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine dư thừa trong năm tới, gồm 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới. Cam kết được đưa ra sau những kêu gọi ngày càng tăng để các nước giàu tăng cường nỗ lực chia sẻ mũi tiêm Covid-19 với quốc gia kém phát triển hơn. Các tổ chức từ thiện cảnh báo tình trạng tiêm chủng bất công hiện nay đang dẫn đến "nạn phân biệt chủng tộc bằng vaccine".

Giá dầu Brent tương lai tăng 30 cent, tương đương 0,4%, lên 72,52 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Giá dầu WTI tương lai tăng 33 cent, tương đương 0,5%, lên 70,29 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Thị trường năng lượng trước đó giảm sâu vì thông tin cho rằng Mỹ dỡ lệnh trừng phạt với quan chức ngành dầu Iran. Bộ Tài chính Mỹ xác nhận bỏ lệnh trừng phạt với 3 cựu quan chức Iran và hai công ty từng tham gia giao dịch sản phẩm hóa dầu Iran. Một quan chức Mỹ nói đây là động thái “thường lệ” và không liên quan đến quá trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân hiện tại. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần trước xuống thấp nhất 15 tháng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đáng kể trong tháng 5. OPEC dự báo lực cầu dầu tăng 6,6%, tương đương 5,95 triệu thùng/ngày, trong năm nay, không thay đổi trong tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường “đang tính đến sự hoàn hảo trong thắt chặt cung” và đợt giảm ngắn trong phiên 10/6 là điều có thể xảy ra nếu Iran hoặc OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, tăng sản lượng.

Trước tình trạng nghẽn lệnh trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr ngày 10/6/2021 quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP. HCM. Việc chậm trễ khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trong hơn nửa năm qua khiến nhà đầu tư bức xúc vì sự bất ổn này đang đẩy nhà đầu tư vào những rủi ro không thể lường trước. Đỉnh điểm bức xúc của nhà đầu tư là không thể sửa/hủy lệnh trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh như 2 phiên ngày 8 và 9/6.

Chiều 10/6, Học viện Quân y đã chính thức triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam có tên Nano Covax do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho 1.000 người trong số 6.500 người tình nguyện tham gia. Theo Học viện Quân Y, trong giai đoạn 1 và 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax, 100% người tiêm sinh miễn dịch, được bảo vệ trước tấn công của virus SARS-CoV-2. Vaccine Nano Covax là 1 trong 3 vaccine phòng COVID-19 được phát triển trong nước từ giữa 2020, đến nay đây là vaccine có tiến độ nghiên cứu nhanh nhất. Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ thử nghiệm tại nhiều trung tâm trong nước, với khoảng 13.000 tình nguyện viên.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 19,1 điểm, tương đương 0,06%, lên 34.466,24 điểm. S&P 500 tăng 19,63 điểm, tương đương 0,47%, lên 4.239,18 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.232,6 điểm thiết lập hôm 7/5. Nasdaq tăng 108,58 điểm, tương đương 0,78%, lên 14.020,33 điểm. Bộ Lao động Mỹ ngày 10/6 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 4,7% do giới chuyên gia kinh tế đưa ra, tiếp tục dấy lên tranh luận đà tăng giá hiện tại có phải lạm phát dài hạn hay không, bất chấp sự trấn an từ Fed rằng đây chỉ là xu hướng tạm thời. Tuy nhiên, khi phân tích cụ thể, CPI phần lớn tăng do ảnh hưởng từ hàng hóa và cước hàng không. Do đó, tình trạng này khả năng cao chỉ mang tính tạm thời.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu biến động trái chiều vào thứ Năm khi thị trường toàn cầu chuẩn bị đón nhận kết quả lạm phát mới nhất từ ​​Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,07%, với cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 1,4% trong khi ngân hàng tăng 0,7%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,38%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,34%, Topix giảm 0,021%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 0,54%, Shenzhen Component tăng 1,19%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,26%. ASX 200 của Australia tăng 0,44%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 10/6, VN-Index giảm 9,32 điểm (-0,7%) xuống 1.323,58 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 236 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,55 điểm (-1,75%) xuống 311,32 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 150 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 87,17 điểm.

Thanh khoản thị trường uy trì ở mức thấp hơn phiên trước đó, tổng khối lượng giao dịch đạt 948 triệu cổ phiếu, trị giá 30.700 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 28.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 250 tỷ đồng trên sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Bất chấp đà tăng khá mạnh trong phiên 09/06, thị trường mở cửa đầu phiên ngày 10/06 với tâm lý khá thụ động. Có thể thấy diễn biến phiên giao dịch ngày 10/06 với 2 dòng tâm lí chủ đạo: (1) tâm lý một số nhà đầu tư vẫn kiên nhẫn “giữ hàng” trong 2 phiên giảm mạnh vừa rồi và tiếp tục kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại - điều này phần nào được hỗ trợ bởi phiên hồi phục khá tốt ngày 09/06; (2) dòng tiền mới ở ngoài hoặc đã bán trong 2 phiên vừa rồi yếu và chưa có dấu hiệu quay trở lại do tâm lý bẫy “ bull trap”. Về diễn biến thị trường phiên 10/06, nhóm dầu khí chịu áp lực bán rất mạnh do thiếu thông tin tích cực từ giá dầu, mức giảm tại nhóm này khá mạnh nhiều mã lớn giảm 3-5%, thậm chí PVD kịch sàn. Nhóm ngân hàng giao dịch khá giằng co nhưng lực cầu yếu khiến tâm lý nhà đầu tư coi đây là nhịp hồi kỹ thuật và đã kích hoạt trạng thái chốt lời tại nhóm này, sắc xanh vẫn hiện hữu tại một số bank nhỏ như PGB, KLB, SGB. Nhóm “Vingroup” sau 2 phiên đỡ thị trường tránh bị giảm sâu đã giảm trong phiên 10/06 với mức giảm khoảng 2%. Ở chiều hướng tích cực, VNM HPG, SAB là những số ít mã vốn hóa lớn tăng điểm và qua đó giúp thị trường đỡ bị giảm sâu. Nổi bật là VNM (+3.5%) đây là nhịp hồi của VNM sau chuỗi thời gian dài giảm điểm vừa rồi, Nhóm chứng khoán cũng có một phiên khá phân hóa nhưng nhìn chung là tích cực bởi một số mã lớn tiếp tục duy trì được sắc xanh  như  SSI, VND hay VCI tăng trần. Điểm nhấn trong phiên ngày 10/06 là diễn biến tích cực tới từ 2 nhóm phân bón và thủy sản với nhiều mã tăng trần như DCM, SFG, VHC, ANV, IDI, FMC...Chưa biết thông tin gì đã hỗ trợ diễn biến rất tích cực tới từ 2 nhóm trên, nhưng sự sôi động của 2 nhóm này trong bối cảnh thị trường khá biến động như hiện tại cũng giúp thị trường không quá bi quan.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 090 323 54 34

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội