ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 22/06/2021
- TIN NỔI BẬT
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,39 USD, tương đương 1,9%, lên 74,9 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,02 USD, tương đương 2,8%, lên 73,66 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu đều tăng trong 4 tuần qua nhờ sự lạc quan về tốc độ tiêm chủng vaccine trên thế giới và kỳ vọng đi lại gia tăng trong mùa hè. Phí giao ngay đối với dầu thô ở châu Á và châu Âu lên cao nhất nhiều tháng. Bank of America nhận định giá dầu Brent có thể trung bình năm nay dự báo là 68 USD/thùng nhưng có thể chạm 100 USD/thùng trong năm 2022 khi lực cầu tăng và nhiều xe cá nhân hoạt động hơn. USD giảm giá, khiến nhà đầu cơ trở lại với những tài sản định giá bằng đồng bạc xanh như hàng hóa.
Giá hàng hóa tăng nhanh đã đảo ngược sự sụt giảm kéo dài hàng thập kỷ của giá điện mặt trời, điều này làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này sau khi có đà phục hồi kỷ lục vào năm 2020. Theo Chỉ số Năng lượng Mặt trời Toàn cầu MAC, cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời đã giảm 18% trong năm nay sau khi tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2020 do các công ty này phải đối mặt với chi phí thép, polysilicon và vận chuyển hàng hóa cao hơn. Bên cạnh đó, áp lực từ chuỗi cung ứng hạn chế cũng làm ảnh hưởng tới chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời, cũng như các chính phủ cam kết tập trung vào “phục hồi xanh” sau đại dịch. Theo S&P Platts, chi phí năng lượng mặt trời đã giảm 80% từ năm 2010 đến năm 2020, nhưng sự sụt giảm đáng kể đó đã kết thúc.
Tính đến ngày 19/6, hơn 1.010.489.000 mũi vaccine Covid-19 đã được tiêm cho người dân Trung Quốc, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC). Hơn 100 triệu mũi được tiêm trong vòng 6 ngày tính đến ngày 19/6. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người hoàn tất tiêm chủng bởi nhà chức trách Trung Quốc không công bố số liệu này. Tuy nhiên, Zhong Nanshan, một trong những chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc tại NHC, hồi tháng 3 nói Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối tháng 6. Sau đợt bùng phát Covid-19 tại năm ngoái, Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát và gần như thành công trong tái mở cửa nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Một lý do khiến chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc khởi đầu chậm chạp hồi đầu năm là người dân không thấy cấp bách. Nỗ lực này được đẩy nhanh sau đó, mất 25 ngày để tăng từ 100 triệu mũi lên 200 triệu mũi và 6 ngày để từ 800 triệu mũi lên 900 triệu mũi, theo hãng thông tấn quốc gia Xinhua.
Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất được công bố là 8,2%/năm tại OCB khi gửi tiền giá trị trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Khoản tiền gửi 12 tháng với điều kiện tương tự hưởng lãi suất 8,1%/năm. Với các khoản tiền dưới 500 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trả lãi suất 6-6,1% cho kỳ hạn 12 hoặc 15 tháng. ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,4%. Đây là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng khác như Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, MSB 7%/năm, LienVietPostBank với 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 586,89 điểm, tương đương 1,76%, lên 33.876,97 điểm. S&P 500 tăng 58,34 điểm, tương đương 1,4%, lên 4.224,79 điểm. Nasdaq tăng 111,1 điểm, tương đương 0,79%, lên 14.141,48 điểm. 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều chốt phiên trong sắc xanh với năng lượng dẫn đầu, tăng 4,3%, tiếp đó là tài chính, tăng 2,4%. S&P 500 trong tháng 6 biến động với biên độ hẹp khi nhà đầu tư phân vân giữa lo ngại về một nền kinh tế quá nóng và sự lạc quan về một đợt phục hồi mạnh. Đây là sự đảo chiều đáng kể từ tuần trước, khi Fed phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến một đợt chốt lời, khiến Dow Jones và S&P 500 có tuần tệ nhất nhiều tháng.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu biến động mạnh vào sáng thứ Hai, sau những xáo trộn trên thị trường toàn cầu. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,8% trong phiên giao dịch đầu tuần. Tài nguyên cơ bản giảm 0,6% trong khi hóa chất tăng 0,8%.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,29%. Thị trường Nhật Bản giảm mạnh nhất khu vực với Nikkei 225 mất 3,29% còn Topix giảm 2,42%. Hầu hết các lĩnh vực đều chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu các hãng ôtô như Nissan và Honda lần lượt giảm 4,07% và 3,93%. Fanuc giảm 5,62%. Trong lĩnh vực tài chính, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 2,72%, Mizuho Financial Group giảm 2,25%. Thị trường Trung Quốc đại lục ở chiều ngược lại với Shanghai Composite tăng 0,12%, Shenzhen Component tăng 0,395%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,28%. Trung Quốc ngày 21/06 giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn (LPR) với kỳ hạn 1 năm và 5 năm lần lượt ở 3,85% và 4,65% như dự báo của phần lớn nhà phân tích. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,83%. ASX 200 của Australia giảm 1,81%.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 21/06, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,37%) xuống 1.372,63 điểm. Toàn sàn có 173 mã tăng, 232 mã giảm và 39 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,49 điểm (-0,78%) xuống 316,24 điểm. Toàn sàn có 121 mã tăng, 85 mã giảm và 121 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,57%) xuống 89,71 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm hơn so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 27.400 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 24.900 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Không nằm ngoài dự đoán chung của thị trường khi nhóm VN30 vẫn đang trong nhịp điều chỉnh và thanh khoản chưa phục hồi lại mức cao khiến thị trường khó bật tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã biến động rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 21/6. Bước sang phiên giao dịch chiều 21/06, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường nới rộng biên độ giảm, chỉ số VN-Index nhanh chóng thủng mốc 1.370 điểm ngay khi mở cửa. Mặc dù ngay sau đó thị trường đã bật ngược đi lên nhưng với diễn biến thiếu động lực từ nhóm cổ phiếu trụ cột khiến VN-Index chưa thể hồi phục. Chỉ số VN-Index đi ngang trên ngưỡng 1.370 điểm trong suốt hơn 1 giờ cuối phiên. Chỉ số đang gặp lực cản sau khi chớm vượt đỉnh lịch sử, nhưng vẫn đang nghiêng về khả năng tiếp tục mở rộng nhịp tăng điểm để hướng tới vùng đích kì vọng tại 1.40x điểm. Rủi ro đảo chiều điều chỉnh rõ nét chỉ trở nên hiện hữu nếu thị trường có một phiên phân phối tiêu cực kế tiếp xác nhận. Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào việc quản lý tỷ trọng ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế ngắn hạn. Việc giảm một phần tỷ trọng có thể được cân nhắc trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản sụt giảm
Analysis department of APG Securities Joint Stock Company
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 090 323 54 34
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội