Đồ thị và xu hướng trong phân tích kỹ thuật
1. Đồ thị trong phân tích kỹ thuật
Một số đồ thị thường gặp trong phân tích kỹ thuật
- Đồ thị dạng đường (Line Chart): biểu thị các mức giá đóng cửa được nối liên tục với nhau
- Đồ thị dạng then chắn (Bar Chart): biểu thị khoảng giá giao dịch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Một then chắn bên phải của cột thể hiện giá đóng cửa, một then chắn bên trái của cột được dùng để thể hiện giá mở cửa.
Khối lượng giao dịch thường được thể hiện ở phần dưới của cột đồ thị
- Đồ thị dạng cây nến (Candlestick chart): biểu thị khoảng giá giao dịch hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm được thể hiện bằng khoảng cách từ hai điểm cao nhất và thấp nhất trên cây nến.
Đáy trên và đáy dưới của thân cây nến thể hiện mức giá đóng cửa hay mở cửa tùy vào giai đoạn tính toán giá tăng hay giảm. Nếu giá tăng thì giá mở cửa nằm ở đáy dưới nến, giá đóng cửa ở đáy trên nến và ngược lại với giá giảm. Màu của thân nến thể hiện giá tăng (màu xanh) hay giảm (màu đỏ).
2. Xu thế
2.1. Đường xu thế (Trendline)
Là đường thẳng nối ít nhất hai đỉnh hoặc hai đáy của một đường giá chứng khoán nhất định. Đường xu thế giá tăng là đường nối các điểm đáy cao dần và đường xu thế giá giảm là đường nối các điểm đỉnh thấp dần của đường giá chứng khoán.
Đường xu thế giá tăng là một đường dốc lên nối hai hay nhiều điểm đáy trên đường giá chứng khoán. Các điểm đáy này phải cao dần lên để đảm bảo đường xu thế là dốc lên. Khi đường giá chứng khoán vẫn dịch chuyển phía trên đường xu thế, thì xu thế giá tăng vẫn được coi là bền vững và còn tiếp diễn. Khi đường giá chứng khoán cắt đường xu thế từ trên xuống cho thấy cầu thực tế giảm và có thể có sự thay đổi về xu thế dao động của giá chứng khoán.
Đường xu thế giá giảm là một đường dốc xuống, được hình thành bằng cách nối hai hay nhiều điểm đỉnh trên đường giá chứng khoán. Các điểm đỉnh này phải đảm bảo thấp dần xuống để đường xu thế là dốc xuống. Khi đường giá vẫn nằm dưới đường xu thế, xu thế giá giảm vẫn còn tiếp diễn cho đến khi đường giá cắt đường xu thế từ dưới lên, có thể bắt đầu một sự thay đổi xu thế giá của chứng khoán
Khi đường xu thế xuyên qua đường giá là dấu hiệu của sự thay đổi xu thế, đưa ra dấu hiệu mua hay bán cho nhà đầu tư.
Có 3 yếu tố để đánh giá về giá trị của một xu thế:
- Số các đỉnh hoặc đáy hình thành trên hoặc gần đường trendline
- Khoảng thời gian diễn ra xu thế
- Độ dốc của đường xu thế
2.2. Kênh xu thế (Trend Channels)
Kênh xu thế là khoảng dao động của giá được xác định bởi hai đường, một là đường xu thế, đường còn lại song song với nó được gọi là đường kênh.
Trong một kênh xu hướng lên, dải trên là đường nối các đỉnh của đường giá chứng khoán
Khi giá chứng khoán đang dịch chuyển theo một xu thế , nếu đường giá chứng khoán chạm vào dải trên của kênh xu thế thì sẽ có khả năng dịch chuyển trở lại dải phía dưới vủa kênh xu thế và ngược lại.
Đây là dự báo hữu hiệu về sự dịch chuyển của đường giá chứng khoán trong việc ra quyết định mua vào hay bán ra trong ngắn hạn.
2.3. Mức hỗ trợ và mức kháng cự
a. Mức hỗ trợ (Support level)
Mức hỗ trợ là mức giá mà tại đó xu thế giảm giá của chứng khoán dừng lại vì cầu lớn hơn cung
b. Mức kháng cự
Giá chứng khoán vượt qua mức kháng cự sẽ là dấu hiệu rất tích cực vì nó báo hiệu giá chứng khoán sẽ tiếp tục đạt tới một cao điểm mới.