Báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Một vài cập nhật về dịch Covid-19
Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc sáng 25/2 thông báo phát hiện thêm 508 ca nhiễm virus Covid-19 và 17 ca tử vong trong ngày 24/02. Như vậy, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Trung Quốc đại lục lần lượt tăng lên 77,658 và 2,663. Bên ngoài Trung Quốc đại lục, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan nhanh và đã xuất hiện tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Oman và Iraq là hai nước mới nhất ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Như vậy, thế giới ghi nhận có hơn 80,000 ca nhiễm bệnh và gần 2,700 ca tử vong. Hàn Quốc hôm qua ghi nhận 833 ca nhiễm, trong khi Italia là 229, khiến hai nước trở thành ổ dịch lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới. Mỹ có 53 trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc nhưng Tổng thống Donald Trump khẳng định nước này đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong khi đó, số người chết vì Covid-19 tại Iran tăng lên 12 tính đến ngày 24/2, cao thứ hai trên toàn thế giới, sau Trung Quốc đại lục.
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam
Đã hơn ba tuần kể từ khi Thủ tướng công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại Việt Nam, và mọi thứ đã được cải thiện đáng kể. 82 người Vĩnh Phúc ở Trường Quân sự tỉnh được thông báo về nhà, kết thúc nửa tháng cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19, trong khi Thanh Hoá cũng đang xúc tiến thủ tục để công bố trong ít ngày tới. Khánh Hòa (quê hương của Nha Trang - một trong những bãi biển lớn nhất Việt Nam) có thể sẽ sớm hết dịch bệnh vì không có bệnh nhiễm mới trong hơn 30 ngày.
Đối với thương mại tổng thể giữa Việt Nam và Trung Quốc, thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phần nào được thông quan, mặc dù chậm hơn bình thường. Đã có quy trình kiểm dịch chặt chẽ hơn (ví dụ xe tải có thể cần được cách ly trong 14 ngày). Các tập đoàn FDI lớn, như Samsung hay LG không có dấu hiệu gián đoạn sản xuất sau khi họ khởi động lại sản xuất kể từ ngày 30 tháng 1 năm 2020 (các lựa chọn khác thay vì vận tải đường bộ có thể là vận tải hàng không hoặc đường biển). Trong khi Samsung không trì hoãn việc ra mắt điện thoại hàng đầu của mình là Galaxy S20 (dự kiến vào ngày 6 tháng 3, hiện đang nhận đơn đặt hàng trước), sự chậm trễ ra mắt đã được các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác như Apple (iPhone 9 - 12) hoặc Xiaomi (Note 10 Pro) thông báo. Đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, có thể có những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô hoặc đầu vào quan trọng, vì chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đình trệ trong thời gian gần đây.
Nếu có thể tìm thấy một sự tích cực từ vụ dịch Covid-19, thì đó sẽ là áp lực thấp hơn đối với lạm phát. Không chỉ có nhu cầu thực phẩm & du lịch thấp hơn (không có lễ hội hay sự kiện lớn, nhu cầu ăn uống ở ngoài giảm, giảm lượng khách du lịch quốc tế hoặc nội địa…) đồng thời với giá dầu thô thấp hơn, còn có áp lực giảm từ Chính phủ về các nhà sản xuất thịt lợn để giảm giá thịt lợn. Có thể thấy rằng giá xăng và dầu diesel giảm trung bình lần lượt -6.6% và -10.3% so với giá trung bình cho các lần điều chỉnh cuối cùng. Đó là lý do chính đằng sau việc Bộ Công Thương quyết định yêu cầu giảm giá bán lẻ 4% (đối với giá xăng dầu) và 6% (đối với giá dầu diesel). Nếu CPI tháng 2 ở mức thấp, điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng lạm phát lớn được thấy trong tháng 1, dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa lại từ phiên 30/1, đây cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh và thị trường đã liên tục lao dốc. Tính tới hết phiên 24/2, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM) chỉ còn 4.14 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 337 nghìn tỷ đồng (14.5 tỷ USD) so với thời điểm trước khi nghỉ Tết. Bên cạnh đó, việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 2,000 tỷ đồng trên toàn thị trường từ sau Tết tới nay cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính Châu Á và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số VN-Index giảm 29.75 điểm (3,19%) xuống 903.34 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 tới nay. Tính chung trên toàn Châu Á, VN-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh thứ 2, chỉ xếp sau Kospi của Hàn Quốc với mức giảm lên tới 3.87%. Việc thị trường Việt Nam phản ứng tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc là điều không quá bất ngờ khi mối liên kết giữa nền kinh tế của quốc gia này với Việt Nam là không phải bàn cãi.
Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 sẽ chủ yếu đa phần có những tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đến các ngành kinh tế của Việt Nam. Theo đó, một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến như hàng không, tiêu dùng, cảng biển, vận tải biển... Trong khi đó, ngành duy nhất chúng tôi cho rằng sẽ được hưởng lợi ngắn hạn do dịch bệnh là ngành dược. Đồng thời những ngành hàng phòng thủ chúng tôi đánh giá trung lập.
Những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 có thể kể đến
- Hàng không
3 kịch bản hàng không trước dịch Covid-19: Trường hợp xấu nhất tháng 8 mới hết dịch, thị trường sẽ giảm sâu 17.2%. Mặc dù số lượng tàu bay tăng mạnh nhưng lượng khách qua cảng hàng không cũng như lượng khách vận chuyển của các hãng hàng không, đặc biệt là khách quốc tế lại giảm ở mức 2 con số. Đây là mức giảm đáng kể sau nhiều năm liên tục tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam. Cụ thể, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8.1 triệu khách, giảm 11.6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2.4 triệu, giảm 29.8%, khách nội địa đạt 5.7 triệu, giảm 0.7%.
Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3.7 triệu khách, giảm 13.7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39.5%, chỉ còn 870,000 khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0.7%, đạt 2.8 triệu khách. Trước tình trạng nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020. Theo đó, nếu dịch hết trong tháng 4 (kịch bản lạc quan nhất), tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1.1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách. Ở kịch bản trung bình (tháng 6/2020 hết dịch), tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74.6 triệu khách, giảm 5.7%. Trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch, tổng thị trường sẽ giảm sâu 17.2%, chỉ còn 65.5 triệu khách. Lượng khách qua cảng giảm 15.5%, còn 98.5 triệu khách.
- Ngành tiêu dùng
Dịch Covid-19 sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực ngành bán lẻ. Trong trường hợp xấu nhất, dịch bệnh có thể kéo qua tới quý 2 vì vậy tâm lý lo lắng của người dân sẽ hạn chế ra đường và tập trung chi tiêu mạnh những nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Từ đó, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong Q1/2020 và những cổ phiếu nhóm ngành thực phẩm và đồ uống sẽ ít ảnh hưởng hơn.
Những ngành mà nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư trong giai đoạn thị trường đang có những diễn biến phức tạp này là những ngành hàng phòng thủ như điện, nước hoặc dược.
- Ngành điện
Nhu cầu điện được dự báo trong năm 2020 tăng trưởng 8.2% so với năm 2019, tương đương với mức tăng trưởng GDP kế hoạch là 7.1%. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi cho rằng tiêu thụ điện trong năm 2020 khó có thể đạt mức như dự báo đầu năm do (1) vốn FDI và sản xuất công nghiệp có tốc độ giải ngân chậm lại (2) các ngành hàng sản xuất có thể tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh có xu hướng trì hoãn mở rộng sản xuất kinh doanh làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu thụ. Nhưng với một ngành phòng thủ và còn dư địa tăng trưởng nhiều như các cổ phiếu ngành điện, thì đây là một trong những ngành mà nhà đầu tư có thể nắm giữ dài hạn trong năm tới.
Tuy nhiên với những cổ phiếu ngành điện mà chúng tôi đã khuyến nghị như PC1, NT2, PPC, POW… thì đều là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng ổn định trong những năm tới. Những cổ phiếu này đều có thể giải ngân một phần tỉ trọng trong danh mục dài hạn của quý nhà đầu tư trong năm 2020.
- Ngành dược
Đối với tình trạng dịch bệnh nCoV đang bùng phát tại Trung Quốc và mới đây là Hàn Quốc, tâm lý người dân Việt Nam lo lắng nên, chúng tôi cho rằng ngành Dược sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn bởi nếu như ngành dược từ trước đến nay được cho là ngành phòng thủ thì trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh diễn ra ở quy mô lớn như hiện nay, thì ngược lại có thể trở thành sức bật. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngành dược có giao dịch tích cực trong những phiên vừa qua chỉ là nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược niêm yết do dịch Covid-19.
Nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh thị trường đã giảm sâu sau những ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19
Theo quan điểm cá nhân của chúng tôi, các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch và phần nào đó là các nước lân cận, tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại. Dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK trong ngắn hạn, mức độ thiệt hại tập trung có thể vào một vài tháng đầu và hồi phục đáng kể sau đó (tùy theo diễn biến dịch có kéo dài hay không)
Chỉ số P/E và P/B của Vn-Index đã giảm lần lượt về 14.9 và 2.8 lần, tương đương với mức định giá thời điểm 14/1/2019 khi chỉ số đang ở mức 880 điểm. Thực tế cho thấy, P/E và P/B của các chỉ số thị trường đều đang ở vùng thấp trong gần 4 năm qua, mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường năm 2020 được dự báo ở mức 10% - 15%. Do vậy nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững vàng, tiềm năng tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng quá nhiều bới dịch Covid-19 đều có thể được xem xét phân bổ mua dần vào cổ phiếu cơ bản đang bị bán quá cho mục tiêu đầu tư trong vài tháng tới (những khuyến nghị của chúng tôi cho các cổ phiếu ngành phòng thủ: PPC, PC1, NT2, BWE, TDM…)