ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 01/07/2021

01/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

WSJ dẫn một số nguồn tin cho biết các cáo buộc dự kiến tập trung vào việc giám đốc tài chính Tập đoàn Trump Allen Weisselberg và các quan chức khác của công ty có nhận được các đặc quyền và lợi ích, như căn hộ miễn phí và xe thuê, mà không báo cáo chính xác trên hồ sơ thuế hay không. Mary Mulligan, luật sư của Weisselberg, từ chối bình luận khi được hỏi liệu bà đã được thông báo về các cáo buộc chống lại ông hay chưa. Các luật sư của Tập đoàn Trump chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Văn phòng ủy viên công tố quận Manhattan Cyrus Vance từ chối bình luận. Các nguồn tin cho biết cựu tổng thống Trump sẽ không bị truy tố. Trong một tuyên bố hôm 28/6, ông nói các công tố viên "thiên vị" và khẳng định các hành động của công ty ông "chắc chắn không phải là phạm tội". Việc Tập đoàn Trump bị truy tố có thể khiến các ngân hàng và đối tác kinh doanh ngừng làm việc với họ, đồng thời dẫn đến tiền phạt và các hình phạt khác nếu doanh nghiệp bị kết tội.

OPEC và các đồng minh, tức OPEC+, đang đưa 2,1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường, tương đương 2% sản lượng thế giới, từ tháng 5 đến tháng 7 theo kế hoạch nới lỏng hạn chế nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày năm ngoái. Tính đến tháng 7, mức hạn chế sản lượng đang là 5,8 triệu thùng/ngày. OPEC+ sẽ họp vào ngày 1/7 để thảo luận chính sách sản lượng cho các tháng sắp tới. Với giá dầu hiện cao nhất kể từ năm 2018, các nguồn thạo tin cho biết OPEC+ có thể thảo luận tăng sản lượng trong tháng 8 nhưng một số quốc gia cũng nhận thức được rủi ro lực cầu suy giảm còn nguồn cung từ Iran tăng. Trong dự báo gần đây nhất của OPEC, nếu sản lượng giữ nguyên, nguồn cung từ tổ chức này tháng 8 sẽ thấp hơn cầu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Chênh lệch gia tăng lên 2,2 triệu thùng/ngày vào quý IV.

Hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 tập dung bàn thảo 5 chủ đề chính, và một trong đó là đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với môi trường cạnh tranh khu vực ASEAN. Theo tin từ Bộ Công Thương, trong khuôn khổ hợp tác cạnh tranh ASEAN, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chủ trì phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 (Hội nghị ACC). Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 01 đến 02 tháng 12 năm 2021 tại Hà Nội, Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với chủ đề “Hành động của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN nhằm thúc đẩy môi trường cạnh tranh khu vực ASEAN sau đại dịch Covid 19”. Đây là sự kiện cạnh tranh quan trọng của Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (AEGC), được tổ chức thường niên.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 210,22 điểm, tương đương 0,61%, lên 34.502,51 điểm. S&P 500 tăng 5,7 điểm, tương đương 0,13%, lên 4.297,5 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.291,8 điểm thiết lập hôm 29/6. 6 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chót phiên trong sắc xanh với năng lượng tăng mạnh nhất. Ở chiều ngược lại là bất động sản. Nasdaq giảm 24,38 điểm, tương đương 0,17%, xuống 14.503,95 điểm. Chốt tháng 6, Dow Jones giảm 0,1%, S&P 500 tăng 2,2% còn Nasdaq tăng 5,5%. Chốt quý II, Dow Jones tăng 4,6%, S&P 500 tăng 8,2% còn Nasdaq tăng 9,5%. Đây là quý tăng thứ 5 liên tiếp của Phố Wall. Trong nửa đầu năm, Dow Jones tăng 12,7%, S&P 500 tăng 14,4% còn Nasdaq tăng 12,5%. Đây là 6 tháng đầu năm tốt nhất của S&P 500 kể từ năm 2019, tốt thứ hai kể từ năm 1998. Nhà đầu tư trong tháng 6 không còn hứng thú với nhóm cổ phiếu chu kỳ nhạy cảm với kinh tế mà chuyển sang cổ phiếu tăng trưởng.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào thứ Tư do lo ngại về đại dịch và lạm phát kéo dài, nhưng vẫn là xu hướng ổn định trong nửa đầu năm nay. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã giảm 0,9%, trong đó ô tô giảm 2,4% dẫn đến mất điểm khi tất cả các ngành và sàn giao dịch chính đều rơi vào vùng tiêu cực. Các nhà đầu tư châu Âu sẽ theo dõi một loạt dữ liệu kinh tế vào thứ Tư. GDP quý đầu tiên của Anh được xác nhận ở mức -1,6% so với quý trước, thấp hơn một chút so với kỳ vọng, trong khi đầu tư kinh doanh giảm 10,7% theo quý do nước này phải chịu đựng các biện pháp khóa cửa nghiêm ngặt.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,26%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,01% còn Topix tăng 0,13%. Thị trường Trung Quốc đi lên từ đầu phiên với Shanghai Composite tăng 0,19%, Shenzhen Component tăng 0,72%. Hang Seng của Hong Kong ở chiều ngược lại, giảm 0,25%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc trong tháng 6 là 50,9 điểm, thấp hơn mức 51 điểm của tháng 5. Nguyên nhân phần nào là ảnh hưởng của Covid-19 đến tỉnh Quảng Đông, dẫn đến gián đoạn hoạt động cảng. PMI trên 50 phản ánh sự tăng trưởng và ngược lại. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,38%. ASX 200 của Australia tăng 0,61%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 30/06, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,11%) xuống 1.408,55 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 233 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,15%) xuống 323,32 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 125 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%) xuống 90,25 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch ở mức 24.600 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 21.000 tỷ đồng, giảm 12%. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt mức 17.700 tỷ đồng, giảm 8,7%.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Phiên giao dịch cuối quý 2 (30/06) diễn ra với tâm lý khá hưng phấn ngay từ đầu phiên và được duy trì trong phần lớn thời gian trong phiên trước khi đuối dần về cuối phiên. Phiên chốt NAV quý 2 chứng kiến hoạt động cơ cấu danh mục khá mạnh tại nhóm Vn30. Đáng lưu ý, dòng tiền cũng cho thấy sự hạ nhiệt trong 2 phiên trở lại đây bất chấp thị trường liên tục tạo đỉnh. Về diễn biến thị trường, Vn-Index giao dịch khá tốt trong phiên sáng 30/06, chỉ số luôn dương trong biên độ 5 -10 điểm sắc xanh diễn ra tại nhiều mã trong đó có nhiều mã lớn nhóm bank, chứng khoán và một số mã vốn hóa lớn khác. Tuy nhiên càng về cuối phiên một số “bank lớn” quay đầu giảm khá mạnh như CTG (-2.2%); TCB (-1.5%), và hầu hết các mã bank kết phiên chìm trong sắc đỏ trừ VCB, BID, VPB... Sắc đỏ cũng bao trùm một số bluechips khác như GVR (-2%), PLX (-2.5%), HPG, VNM, BVH, VHM... Trái ngược với sắc đỏ bao trùm tại nhiều mã lớn, nhiều nhóm ngành, một số mã vốn hóa lớn đã tăng khá qua đó góp phần giữ cho chỉ số không bị giảm sâu, tiêu biểu như VCB (+2.1%), MSN (+2.7%), VIC (+0.8%), BID (+0.7%), VRE, VJC, SSI..Bên cạnh đó, sự sôi động cũng đến từ nhóm phân bón với thông tin giá phân bón đang tăng cao do thiếu nguồn cung đã hỗ trợ tích cực tới nhóm cổ phiếu nhóm này trên sàn với DPM (+3.9%), DCM (+1.7%), BFC (+1.7%)... Về diễn biến thị trường sắp tới, thời gian ngắn tới là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/6tháng, do đó xu hướng dòng tiền đang hướng tới những nhóm ngành được dự báo có kết quả khả quan đặc biệt là nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kết quả sẽ phân hóa giữa các nhóm ngành và thậm chí trong cùng nhóm ngành đó. Về thị trường chung, chúng tôi nghiêng về kịch bản tích cực thời gian tới nhờ lực đỡ từ một số mã vốn hóa lớn như VCB và VHM - 2 mã này đã có những nhịp tăng trở lại đây sau khi tích lũy trong 1 thời gian khá dài trước đó.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội