ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 05/07/2021

05/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Kết thúc phiên 2/7, giá dầu Brent tương lai tăng 33 cent, tương đương 0,4%, lên 76,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 7 cent xuống 75,16 USD/thùng. Chốt tuần trước, giá dầu Brent đi ngang còn WTI tăng 1,5%. Một sự kiện đáng chú ý trong tuần trước là OPEC và đồng minh, tức OPEC, họp chính sách sản lượng tháng 8 hôm 1/7. Cuộc họp này lại mang đến một số rạn nứt của hai trong số những đồng minh lớn nhất vùng đất Arab là Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Arab Saudi dường như muốn để giá dầu tăng thêm một chút nữa còn UAE muốn tăng sản lượng nhiều hơn mức Arab Saudi và Nga, dẫn dắt các nước đồng minh, cho phép. Riyadh và Moscow nhất trí tăng cung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong giai đoạn tháng 8 – 12 và nhìn chung được ủng hộ. Cuộc họp của OPEC+ đã bị lùi sang ngày 2/7 và tiếp tục hoãn lần nữa sang ngày 5/7. Giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng nếu OPEC+ không thống nhất được việc tăng sản lượng.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/6 giảm 6,7 triệu thùng, vượt dự báo giảm 4,7 triệu thùng từ giới phân tích, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tồn kho xăng tăng 1,52 triệu thùng, trái dự báo giảm 886.000 thùng, tồn kho sản phẩm tinh chế giảm 869.000 thùng, trái ngược dự báo tăng 486.000 thùng. Các cơ sở lọc dầu tại Mỹ tuần trước hoạt động với 92,9% công suất tối đa, tỷ lệ chưa từng thấy kể từ hè 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Tồn kho tại Cushing, bang Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI, giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 5 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan lên 475, cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 4 lên 376, số giàn khoan khí tăng 1 lên 99 và số giàn khoan dự phòng là 0.

ECB sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 vào thứ Năm (8/7). Những người theo dõi ECB cũng sẽ cảnh giác với tin tức về một số cuộc họp sẽ diễn ra trong những tuần này như một phần của quá trình xem xét chiến lược chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. ECB đang muốn điều chỉnh mục tiêu lạm phát của và đang nhắm đến việc xem xét lại vào tháng 9. Vào thứ Tư (7/7), Đức sẽ công bố số liệu sản xuất công nghiệp và Ủy ban châu Âu sẽ công bố các dự báo kinh tế cập nhật cho Liên minh châu Âu.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 152,82 điểm, tương đương 0,44%, lên 34.786,35 điểm, vượt đỉnh lịch sử 34.777,76 điểm thiết lập hôm 7/5. S&P 500 tăng 32,4 điểm, tương đương 0,75%, lên 4.352,34 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.319,94 điểm thiết lập hôm 1/7. Đây là phiên lập đỉnh thứ 7 liên tiếp của S&P 500, dài nhất kể từ tháng 6/1997, theo S&P Dow Jones Indices. Nasdaq tăng 116,95 điểm, tương đương 0,81%, lên 14.639,33 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.528,34 điểm thiết lập hôm 29/6. Chốt tuần, Dow Jones tăng 1%, S&P 500 tăng 1,7% còn Nasdaq tăng 1,9%. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 tăng thêm 850.000 việc làm, nâng tổng số việc làm lên 6,8 triệu, vẫn thấp hơn đỉnh hồi tháng 2/2020. Số liệu tốt hơn dự báo phản ánh tình trạng thiếu lao động của kinh tế Mỹ bắt đầu giảm nhưng vẫn chưa đủ để buộc Fed tăng lãi suất. Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đẩy Phố Wall đi lên hơn nữa trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,431%.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng nhẹ vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư xem xét báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi của Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa tăng 0,2%, dẫn đầu nức tăng là cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,6%, trong khi các ngân hàng giảm 1,2%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,95%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,27% còn Topix tăng 0,88%. Thị trường Trung Quốc giảm sâu nhất khu vực với Shanghai Composite mất 1,95%, Shenzhen Component giảm 2,448%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,8%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,01%. ASX 200 của Australia tăng 0,59%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

VN-Index có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, cụ thể, chỉ số này kết thúc tuần từ 28/6-2/7 ở mức 1.420,27 điểm, tăng 30,15 điểm (2,2%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng tăng 9,79 điểm (3,1%) lên 328,01 điểm. UPCoM-Index tăng 1,16 điểm (1,3%) lên 90,64 điểm.

Giao dịch của khối ngoại trên thị trường tuần qua có diễn biến bất ngờ. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 178,3 triệu cổ phiếu, trị giá 10.743 tỷ đồng, trong khi bán ra 154 triệu cổ phiếu, trị giá 7.476 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 24,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 3.267 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Giao dịch phân hóa mạnh khiến thị trường chỉ biến động lình xình trên ngưỡng 1.420 điểm trong suốt cả phiên sáng 02/07. Trong đó, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm. Theo thông tin chính thức vừa được công bố, Chủ tịch UBCK đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chấp thuận kiến nghị của HOSE về việc đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE sử dụng phần mềm của HNX do FPT cung cấp vào vận hành chính thức từ 5/7/2021. Những tưởng thông tin tích cực này sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn, nhưng tâm lý chốt lời để bảo vệ thành quả trong phiên giao dịch cuối tuần gia tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên chiều khiến VN-Index dần hạ độ cao và đảo chiều giảm sau khoảng 40 phút giao dịch. Sắc đỏ chỉ kịp le lói và nhanh chóng biến mất nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Mặc dù trong gần suốt thời gian còn lại, chỉ số VN-Index chỉ biến động dưới vùng giá 1.420 điểm, thậm chí có thời điểm lại bị đạp về sát mốc tham chiếu, nhưng sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường lấy lại ngưỡng kháng cự trên. Ngược lại các phiên tuần trước đó và đầu tuần trước, thanh khoản phiên 02/07 đã cải thiện tích cực, nhưng điều đó chưa tạo được sự hứng khởi. Theo nguyên tắc khối lượng cần tăng giảm với tỷ lệ tương xứng biến động của chỉ số, nếu các phiên tuần trước chỉ số tăng và thanh khoản giảm gây lo ngại thì phiên 2 phiên này, thanh khoản tăng đều đặn nhưng mức tăng của chỉ số lại không theo tương xứng. Đặc biệt tình trạng "xanh vỏ đỏ lỏng" với số mã giảm áp đảo số mã tăng cho thấy giá trị giao dịch tăng phản ánh bên bán chốt lời mạnh dần lên chứ không phải lực cầu cải thiện. Về kỹ thuật, đồ thị ngày 2/7 của VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ dạng ‘Spinning top’ tại vùng kháng cự 1.420-1.425 điểm cho tín hiệu đảo chiều yếu. Điều này cũng cho thấy sự do dự của nhà đầu tư sau chuỗi tăng điểm từ đầu tuần. Do đó, chúng tôi cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.415-1.420 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.405-1.410 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.425-1.430 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.435-1.440 điểm.

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội