SSC: 10 sự kiện tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Chính phủ ban hành đồng bộ 5 Nghị định, Bộ Tài chính ban hành 11 thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Chứng khoán 2019
Luật Chứng khoán năm 2019 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Để triển khai thi hành Luật, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các Nghị định và thông tư quy định chi tiết Luật.
Theo đó, trong năm 2020, thực hiện phân công của Bộ Tài chính, UBCKNN đã nỗ lực, tập trung cao độ cho công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán năm 2019 để trình Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành. Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành 05 nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành 11 thông tư chi tiết thi hành Luật. Các nghị định đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về chứng khoán và TTCK được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống khung khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn thị trường cũng như mục tiêu đảm bảo minh bạch, công bằng, phát triển bền vững TTCK.
Bộ Tài chính ban hành các thông tư kịp thời hỗ trợ TTCK trong bối cảnh đại dịch.
Trong bối cảnh TTCK toàn cầu sụt giảm nhanh và mạnh do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thậm chí một số quốc gia như Mỹ, Brazil, Philippines… đã phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch hoặc tạm thời đóng cửa thị trường giao dịch chứng khoán, thì Việt Nam vẫn kiên trì quan điểm hạn chế can thiệp hành chính vào TTCK, tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của thị trường. Theo đó, UBCKNN đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ TTCK, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, như ban hành hàng loạt văn bản triển khai hoạt động TTCK trong mùa dịch COVID-19, trong đó có việc yêu cầu các thành viên thị trường phải tổ chức hoạt động bình thường, tăng cường giao dịch trực tuyến, đề xuất đưa hoạt động chứng khoán vào danh mục ngành, nghề “dịch vụ thiết yếu” để tạo điều kiện cho TTCK hoạt động an toàn, ổn định trong mọi tình huống.
Đặc biệt, ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC quy định giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với hàng loạt dịch vụ chứng khoán và quy định mới này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của thị trường. Tiếp đó, từ ngày 7/5/2020, theo Thông tư số 37/2020/TT-BTC, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán cũng được giảm 50% so với quy định nhằm kịp thời hỗ trợ thị trường. Trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, ngày 17/7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2020/TT-BTC kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Các thông tư này đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho TTCK hoạt động liên tục, thông suốt, từng bước phục hồi và tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange - VNX). VNX được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của VNX là 3.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.
Việc thành lập VNX theo mô hình này nhằm tập trung vào chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của TTCK trong phát triển kinh tế. VNX (công ty mẹ) thực hiện một số chức năng mang tính định hướng phát triển về công nghệ mới, sản phẩm mới; ban hành các quy chế chuyên môn nghiệp vụ sau khi được UBCKNN chấp thuận. Các công ty con là SGDCK tập trung thực hiện vận hành thị trường giao dịch chứng khoán trong phạm vi được phân công. Việc phân công chức năng quản lý, giám sát giữa công ty mẹ và công ty con vừa đảm bảo tính tổng thể, vừa mang tính chất chuyên sâu đối với từng khu vực thị trường, khắc phục được những hạn chế tồn tại hiện nay.
VNX ra đời sẽ góp phần tạo nên một TTCK vừa có tính tập trung, thống nhất, tránh chồng chéo về nghiệp vụ giữa hai Sở như hiện nay, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, thống nhất các mảng hoạt động thị trường, vừa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và các chính sách đối với TTCK. Đồng thời, việc xây dựng VNX với quy mô lớn hơn sẽ nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư đối với TTCK nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung”.
Thị trường cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ và tăng trưởng ngoạn mục.
TTCK Việt Nam trong năm 2020 đã trải qua giai đoạn sụt giảm sâu trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng tính đến những tháng cuối năm, thị trường đã hồi phục mạnh mẽ và bứt phá ngoạn mục. Ngày 24/3/2020, chỉ số VN Index đã chạm đáy của 03 năm tại mốc 659,21 điểm, giảm hơn 31,4% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, nhưng đến những tháng cuối năm 2020, chỉ số VN Index đã bứt phá ngoạn mục và đạt 1.103,9 điểm tại phiên 31/12/2020 - tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Tổng mức huy động vốn trên TTCK đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Mức tăng này giúp VN Index đứng trong nhóm 15 chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới năm 2020 và trong nhóm 5 chỉ số tăng điểm mạnh nhất tính trong 6 tháng cuối năm 2020.
Cũng trong năm 2020, TTCK Việt Nam ghi nhận sự tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong quá trình hoạt động 20 năm qua. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong năm đạt gần 394 nghìn tài khoản, tăng 109% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm 2019. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với giá trị khớp lệnh nhiều phiên liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên, đặc biệt có phiên thị trường chứng kiến giá trị giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên cả 2 sàn vào ngày 15/6/2020.
Thị trường phái sinh tăng trưởng gần 80%.
Hơn 3 năm vận hành, TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Biến động của TTCK cơ sở dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm nổi bật vai trò của thị trường phái sinh.
Theo đó, trong năm 2020, TTCK phái sinh đã tăng trưởng mạnh. Kỷ lục về thanh khoản trên thị trường này được thiết lập vào ngày 29/7/2020 với khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất 356.033 hợp đồng; và khối lượng hợp đồng mở cao nhất đạt 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11/2020. Tính đến hết ngày 31/12/2020 thì KLGD bình quân phiên là 158.390 hợp đồng/phiên, tăng gần 80% so với bình quân năm 2019 (88.707 hợp đồng/phiên).
Tính đến ngày 31/12/2020, số lượng tài khoản đạt 173.395 tài khoản (tăng 88,06% so với năm 2019). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 đạt mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm hoạt động (bổ sung thêm 82.535 tài khoản mới). Những con số này phần nào đã thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đầu tư đối với TTCK phái sinh trong nước.
Thị trường trái phiếu chính phủ huy động nhiều nhất, kỳ hạn dài nhất, lãi suất thấp nhất trong lịch sử.
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nền kinh tế trong nước đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đã tác động mạnh đến thu chi ngân sách nhà nước nhưng thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trên thị trường sơ cấp, thị trường tài chính và tiền tệ biến động mạnh nửa đầu năm, ở một số thời điểm đầu năm thị trường thanh khoản kém, KBNN không huy động được vốn như kỳ vọng. Tuy nhiên, năm 2020, tổng giá trị phát hành TPCP đạt hơn 350 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2019.
Đặc biệt, lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn, từ mức lãi suất bình quân 4,59%/năm, giảm xuống còn 2,85%/năm, giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm cho Chính phủ. Như vậy, với kỳ hạn phát hành bình quân là 13,8 năm, Chính phủ đã tiết kiệm gần 83.000 tỷ đồng chi phí huy động vốn, tính riêng cho hoạt động phát hành TPCP trong năm 2020. Ngoài việc tiết giảm chi phí huy động vốn, kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành qua đấu thầu có xu hướng dài hơn đã đem lại sự chủ động và ổn định trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và dài hạn của Chính phủ. Kết quả đạt được một phần do thanh khoản trên thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp tiếp tục có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với giá trị giao dịch (GTGD) bình quân phiên đạt 10.270 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2019.
Dấu ấn 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam.
Năm 2020, TTCK Việt Nam ghi dấu mốc lịch sử khi tròn 20 năm mở cửa hoạt động. Khai trương thị trường ngày 20/7/2000 và chính thức mở phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 chỉ với 2 loại cổ phiếu, 6 công ty chứng khoán và vài nghìn nhà đầu tư, sau 20 năm, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, gần 30 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD, với đầy đủ các cấu phần thị trường và các sản phẩm đầu tư đa dạng, thu hút trên 2,7 triệu nhà đầu tư mở tài khoản. Bên cạnh thị trường giao dịch cổ phiếu phát triển, TTCK Việt Nam đã có thêm thị trường TPCP với giá trị niêm yết xấp xỉ 20% GDP, hỗ trợ đắc lực cho việc huy động vốn của Chính phủ và nhiều năm qua được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển tốt nhất khu vực Đông Á; và một TTCK phái sinh dù mới ra đời hơn 3 năm nhưng đầy tiềm năng phát triển.
SGDCK Tp. Hồ Chí Minh - nơi khai mở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam - dấu son 20 năm còn được ghi nhận bằng việc khẳng định vị trí khởi nguồn và đầu tàu với hơn 90% giá trị vốn hóa toàn thị trường và là nơi tập trung niêm yết của hầu hết các doanh nghiệp lớn.
Năm 2020 cũng là năm SGDCK Hà Nội ghi dấu chặng đường 15 năm hình thành và phát triển với việc vận hành hiệu quả trên cả 03 mảng thị trường gồm thị trường cổ phiếu, thị trường TPCP và TTCK phái sinh.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện tốt chức năng của tổ chức duy nhất cho hoạt động sau giao dịch, đảm bảo TTCK vận hành an toàn, thông suốt và bảo mật, góp phần hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên TTCK, giúp đa dạng hóa các lựa chọn cho nhà đầu tư và nâng cao quy mô thanh khoản trên thị trường.
Quỹ ETF của Việt Nam đứng hàng thứ hai trong khu vực ASEAN về tổng giá trị tài sản ròng.
Năm 2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ ETF nội cả về số lượng và quy mô. Nếu trước năm 2020, trên thị trường chỉ có 2 quỹ ETF thì năm 2020 có thêm 5 quỹ ETF được thành lập như quỹ ETF VFMVN DIAMOND, quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD, Quỹ ETF VinaCapital VN100..., nâng tổng số lượng các quỹ ETF tại Việt Nam lên 7 quỹ. Tổng quy mô của các quỹ ETF tăng lên đáng kể với tổng giá trị tài sản ròng cuối năm 2020 đạt 605 triệu USD, tăng 105% so với cuối năm 2019. Quy mô các quỹ ETF của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau các quỹ ETF tại Singapore với 1,33 tỷ USD. 5 quỹ ETF mới được thành lập trong năm 2020 đã nhanh chóng thu hút được hàng nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ ETF VFMVN DIAMOND tăng trưởng 70% trong năm 2020, quy mô của quỹ liên tục tăng, đạt hơn 5.100 tỷ đồng cuối năm 2020, tăng gấp gần 50 lần so với khi thành lập.
Theo thống kê của HOSE, trong năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mua ròng 4.000 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF. Điều này cho thấy quỹ ETF không chỉ là công cụ giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường, gia tăng thanh khoản mà còn là sản phẩm thu hút dòng vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ACMF1 2020.
Trong năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra làm ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu, với vai trò Chủ tịch Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) theo cơ chế luân phiên, UBCKNN đã tổ chức thành công trọn vẹn chuỗi các hội nghị và sự kiện thuộc kênh ACMF năm 2020 mà Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và điều phối.
Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, UBCKNN đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến “Tài chính bền vững” là chủ đề xuyên suốt cho diễn đàn ACMF trong năm 2020. Nỗ lực thúc đẩy sáng kiến trên của Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN. Sáng kiến “Lộ trình Phát triển bền vững Thị trường vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 05 năm tới. Đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCKNN đã chủ động, tích cực dẫn dắt, điều phối và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan quản lý TTCK và thành viên thị trường các nước ASEAN để xây dựng Kế hoạch hành động ACMF giai đoạn 2021 - 2025 nhằm định hướng các hoạt động của ACMF trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Tại Hội nghị ACMF lần thứ 33 tổ chức vào ngày 09/12/2020, Lãnh dạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN đã thông qua 05 ưu tiên chính của Kế hoạch với mục tiêu đạt được Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt.
Thành công của chuỗi hội nghị ACMF do UBCKNN Việt Nam chủ trì đã góp phần vào thành công chung của Bộ Tài chính trong năm 2020 với vai trò Chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN và đóng góp vào thành công của năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
TTCK Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số MSCI Fontier Market Index.
Sau khi TTCK Kuwait được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi theo thông báo ngày 21/10/2020 của Morgan Stanley Capital International (MSCI), Việt Nam hiện đang là thị trường chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau thị trường Kuwait trong rổ chỉ số của IShares. Nhờ đó, TTCK Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm chỉ số thị trường cận biên của MSCI.
Cũng theo báo cáo của MSCI, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số thị trường cận biên gồm MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Market 100 Index có thể được nâng lên lần lượt là 25,2% và 30%, từ 17,2% và 12,2% hiện tại (tháng 11/2020). TTCK Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn sẽ là yếu tố khiến thị trường có khả năng thu hút lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư dựa vào các chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index, góp phần củng cố dòng tiền cũng như tạo tâm lý ổn định cho cộng đồng nhà đầu tư.
Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành ứng viên sáng giá cho việc thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường cận biên nhằm tăng tỷ trọng thay thế cho Kuwait. Theo lộ trình tăng tỷ trọng, đến cuối năm 2020, TTCK Việt Nam sẽ đạt 15,76% - tỷ trọng lớn nhất trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI và đến hết năm 2021, tỷ trọng này sẽ tăng lên là 28,76%.