ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 04/06/2021
- TIN NỔI BẬT
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 sắp diễn ra từ ngày 4-5/6 tại Anh, các nước châu Âu bày tỏ hy vọng đạt được một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu mới với Mỹ để tránh việc bị Washington áp đặt 2 tỷ USD thuế quan. Lãnh đạo tài chính các nước G7 sẽ nhóm họp tại London vào cuối tuần này để thảo luận về tình hình đàm phán thuế, bao gồm việc đánh thuế các công ty công nghệ lớn và đề xuất của Mỹ về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Đây là cơ hội để các nền kinh tế hàng đầu thế giới tạo dựng lập trường chung về hình thức áp dụng chế độ thuế doanh nghiệp toàn cầu. Trước đó, ngày 2/6, Mỹ đã công bố mức thuế 25% có giá trị 2 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của sáu quốc gia, gồm Áo, Ấn Độ, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, nhằm trả đũa việc các nước này đã áp đặt thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các công ty công nghệ Mỹ, nhưng ngay lập tức tạm đình chỉ thuế mới để thêm thời gian cho các cuộc đàm phán quốc tế. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đánh thuế và tạm đình chỉ đối với Pháp vì lý do tương tự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/6 ký lệnh hành pháp cấm các thực thể Mỹ đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng. Bộ Tài chính sẽ thực thi và cập nhật "trên cơ sở luân phiên" danh sách mới khoảng 59 công ty, cấm nhà đầu tư Mỹ mua hoặc bán với các công ty này, và thay thế danh sách trước đó của Bộ Quốc phòng. Theo Biden, lệnh này ngăn cản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghiệp - quân sự của Trung Quốc, cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự, tình báo và an ninh. "Ngoài ra, tôi thấy việc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc bên ngoài Trung Quốc và việc phát triển hoặc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc để tạo điều kiện cho lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tạo thành các mối đe dọa bất thường", Biden nói. Các công ty lớn của Trung Quốc nằm trong danh sách trước đó của Bộ Quốc phòng cũng được đưa vào danh sách mới, gồm Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn Truyền thông Di động Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Công ty TNHH Công nghệ Kỹ thuật số Hangzhou Hikvision, Huawei Technologies và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC).
Ngày 3/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức công bố kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI 2020) cho thấy, mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục có cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại. Công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2020: Vĩnh Long đứng đầu bảng xếp hạng Tiếp nối thành công từ các năm 2017, 2018 và 2019, khảo sát này do Liên minh minh bạch ngân sách (BTAP) chủ trì phối hợp cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện. Chỉ số công khai ngân sách POBI được áp dụng chu trình ngân sách 2020 của Việt Nam ở cấp tỉnh từ khâu lập ngân sách, phê duyệt ngân sách, thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách theo Luật Ngân sách hiện hành của Việt Nam và thông lệ tốt của quốc tế về công khai, minh bạch ngân sách. Kết quả khảo sát POBI 2020 cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách địa phương tiếp tục có cải thiện, nhưng có dấu hiệu chững lại. Điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 điểm trên tổng số 100 điểm, tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019.
Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 23,34 điểm, tương đương 0,07%, xuống 34.577,04 điểm. S&P 500 giảm 15,27 điểm, tương đương 0,36%, xuống 4.192,85 điểm. Nasdaq giảm 141,82 điểm, tương đương 1,03%, xuống 13.614,51 điểm. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 5 phiên tăng của Dow Jones. Phố Wall phục hồi phần nào sau thông tin Tổng thống Joe Biden hủy bỏ đề xuất tăng thuế. Trong đàm phán với phe Cộng hòa, đảng Dân chủ đề nghị bỏ kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp cao tới 28%, thay vào đó, đưa ra mức tối thiểu 15%, theo Reuters. Báo cáo thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ tốt hơn dự báo và số liệu bảng lương tư nhân tháng 5 cho thấy điều kiện của thị trường lao động được cải thiện. Thước đo hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng lên đỉnh. Thị trường hiện tập trung theo dõi bảng lương tháng 5 của Mỹ, dự kiến công bố ngày 4/6. Nhà đầu tư lo ngại số liệu kinh tế tích cực có thể khiến Fed thu hồi chính sách tiền tệ hỗ trợ sớm hơn dự kiến.
Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ vào thứ Năm khi các nhà đầu tư phản ứng với dữ liệu mới từ Trung Quốc và xem xét báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,14%. Các cổ phiếu tài nguyên cơ bản, với việc tiếp xúc nhiều với Trung Quốc, đã cho thấy mức giảm lớn nhất ngay từ đầu phiên. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp cuối cùng của IHS Markit đã tăng lên 57,1 trong tháng 5, tăng từ 53,8 vào tháng 4.
Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,13%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,39% còn Topix tăng 0,84%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,36%, Shenzhen Component giảm 0,651%. Hang Seng của Hong Kong giảm sâu nhất khu vực, mất 1,13%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc trong tháng 5 là 55,1 điểm, thấp hơn so với mức 56,3 điểm của tháng 4. PMI trên 50 điểm phản ánh sự mở rộng và ngược lại. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,72%. ASX 200 của Australia tăng 0,59%. Doanh số bán lẻ tại Australia tháng 4 tăng 1,1% so với tháng trước sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, theo số liệu công bố ngày 03/06.
- CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc phiên giao dịch 03/06, VN-Index tăng 23,5 điểm (1,75%) lên 1.364,28 điểm. Toàn sàn có 339 mã tăng, 75 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 7,9 điểm (2,45%) lên 329,55 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,28 điểm (1,43%) lên 90,67 điểm.
Dù vậy, khối ngoại vẫn bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HoSE.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.
Trước khi bước vào phiên giao dịch ngày 03/06 với thông tin nhiều công ty chứng khoán ra thông báo sẽ chặn hủy lệnh vào một số khung thời gian nhất định trong phiên nhằm giảm tải tình trạng nghẽn lệnh sàn Hose đã tác động ít nhiều tới tâm lý nhà đầu tư. Kết quả của việc này là hệ thống đã “ đỡ nghẽn hơn” so với phiên 02/06 và thanh khoản qua đó đạt kỷ lục trong phiên ngày 03/06. Về diễn biến thị trường phiên 03/06, sắc xanh của thị trường lan tỏa mạnh mẽ ngay từ đầu phiên ở rất nhiều nhóm ngành. Mạnh mẽ và sôi động hơn cả là nhóm chứng khoán, tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ với rất nhiều mã tăng trần như CTS, VND, SBS, AGR, FTS... các mã còn lại cũng hầu hết có mức tăng từ 5 -6 %; nhóm ngân hàng sau phiên điều chỉnh ngày 02/06 cũng đã trở lại với nhiều mã tăng mạnh như MBB, OCB, LPB tăng trần; nhiều mã tại các nhóm ngành khác như dầu khí, xây dựng, bất động sản, mía đường... có cũng phiên giao dịch bùng nổ với nhiều mã tăng kịch trần như POW, LCG, CTI, FLC, SJS, LSS, AAA... và rất nhiều mã penny, đầu cơ cũng đã nổi sóng qua đó kéo số mã trần sàn HOSE lên 47 mã như DLG, HQC, MHC, OGC, QCG, SJF, TNI… Về diễn biến thị trường sắp tới, việc bứt phá mạnh mẽ với dòng tiền kỉ lục và lan tỏa khắp thị trường trong phiên 03/06 tuy nhiên chúng tôi lưu ý rằng phiên 04/06 sự hưng phấn này sẽ hạ nhiệt dần về cuối phiên. Tuy nhiên, xu hướng thời gian tới vẫn là khả quan và dòng tiền có xu hướng chuyển sang một số nhóm ngành khác chưa tăng trong thời gian vừa qua như bất động sản, cao su, phân bón...
Analysis department of APG Securities Joint Stock Company
--------------------------
CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG
🌐 Website: http://www.apsi.vn/
📞 Hotline: 090 323 54 34
📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội