ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 11/08/2021

11/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Ngày 10/8, Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, một chiến thắng đáng kể cho Tổng thống Joe Biden và là bước đầu tiên trong ưu tiên lập pháp hàng đầu của ông. Dự luật đang được đưa tới Hạ viện và phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như sự hoài nghi từ những nhân vật theo quan điểm cấp tiến. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố rằng chưa thể thúc đẩy dự luật cho đến khi Thượng viện thông qua phần thứ hai của dự luật cơ sở hạ tầng, gói chi tiêu 3.500 tỷ USD. Thỏa thuận lưỡng đảng bao gồm khoảng 550 tỷ USD trong khoản tài trợ mới, ít hơn đáng kể so với 2.600 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất vào đầu năm nay, bao gồm kinh phí cho các khoản đầu tư mới cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu đường, băng thông rộng, đường thủy và đường sắt.

Chiến lược gia kỳ cựu David Roche cho biết, Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp nhằm chống lại sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 - một động thái có thể kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Tâm lý của các nhà đầu tư đối với chứng khoán Trung Quốc đã bị suy giảm do chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với các lĩnh vực bao gồm công nghệ và giáo dục tư nhân. David Roche, Chủ tịch và Chiến lược gia toàn cầu tại Independent Strategy cho biết vào thứ Ba (10/8): “Thị trường đã đi vào giai đoạn nhận định Covid-19 sẽ rất tồi tệ, nhưng sự phục hồi kinh tế nằm ở việc loại bỏ các biện pháp hạn chế xã hội - đó là công thức của thế giới vào lúc này”. “Đó không phải thách thức của riêng Trung Quốc, do đó, các thị trường phải chấp nhận thực tế là có những chi phí kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới toàn cầu bởi kết quả kiểm soát của Trung Quốc”, ông nói thêm. Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã báo cáo 143 trường hợp mắc Covid-19 mới ở Trung Quốc vào thứ Hai (9/8) - số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ tháng 1. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng sự bùng phát trở lại mới nhất của các nhiễm là do biến thể delta có khả năng lây truyền cao.

Ngày 10/8, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết qua kết quả khảo sát “Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường sức lao động” vừa được triển khai cho thấy, dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong quý 3/2021. Khảo sát “Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường sức lao động” được triển khai ở 4.140 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 1.335 doanh nghiệp siêu nhỏ, 2.643 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 162 doanh nghiệp lớn. Qua khảo sát, 1.924 doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, chiếm 46,47%, trong đó, có 1.794 doanh nghiệp ngoài nhà nước thông báo sẽ thực hiện cắt giảm lao động (chiếm 93,24%); 104 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 5,41%) và 26 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (chiếm 1,35%) dự kiến cắt giảm lao động trong quý 3. Đại diện Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố cho biết số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động ở ngành kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 29,06%). Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 15,28%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 12,32%); xây dựng (chiếm 10,4%). Tình trạng cắt giảm lao động còn xảy ra đối với các hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (chiếm 9,72%); lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 6,08%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,87%); thông tin và truyền thông (chiếm 3,27%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 2,18%); giáo dục và đào tạo (chiếm 2,08%).

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 162,82 điểm, tương đương 0,46%, lên 35.264,67 điểm, vượt đỉnh 35.208,51 điểm thiết lập hôm 6/8. S&P 500 tăng 4,4 điểm, tương đương 0,1%, lên 4.436,75 điểm, vượt đỉnh 4.436,52 điểm thiết lập hôm 6/8. Nasdaq giảm 72,09 điểm, tương đương 0,49%, xuống 14.788,09 điểm. Lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và vật liệu, thường hưởng lợi khi kinh tế phục hồi, nằm trong nhóm diễn biến tốt nhất S&P 500. Cổ phiếu Caterpillar, Deere và Vulcan Materials đều tăng giá khoảng 2% bởi những công ty này sẽ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng. Gói chi hạ tầng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan mạnh, đẩy số ca nhiễm mới hàng ngày, trung bình 100.000 trong 3 ngày liên tiếp – tăng 35% so với tuần trước, và nhập viện tại Mỹ lên đỉnh 6 tháng.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào ngày thứ Ba. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,3%, dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,7% trong khi ngân hàng giảm 0,8%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,28%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,24%, Topix tăng 0,36%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,01%, Shenzhen Component tăng 0,777%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,23%. Lo ngại liên quan đợt bùng phát Covid-19 gần đây tại Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Nhiều thành phố tại quốc gia này đã triển khai xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát dịch bệnh. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,53%. Cổ phiếu các công ty liên quan đến Samsung giảm sau khi Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo ân xá cho người thừa kế tập đoàn Jay Y. Lee vào cuối tuần này. Cổ phiếu Samsung Electronics giảm 1,6%, Samsung C&T giảm 2,11%, Samsung Life Insurance giảm 0,52% và Samsung SDS giảm 2,42%. ASX 200 của Australia tăng 0,32%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 10/08, VN-Index tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm. Toàn sàn có 217 mã tăng, 157 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,4 điểm (1,33%) lên 335,08 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 81 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (1,29%) lên 90,53 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.751 tỷ đồng, tăng 5,2%. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 2,2% lên 21.050 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng khoảng 570 tỷ đồng ở sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Mở cửa phiên sáng 10/08, thị trường tạo 1 gap với mức tăng hơn 4 điểm, rồi tiến thẳng lên ngưỡng 1.370 điểm. Sau đó, thị trường đã điều chỉnh trở lại để lấp gap. Bước sang phiên giao dịch chiều 10/08, áp lực chốt lời gia tăng khiến thị trường rung lắc, trong đó 2 lần VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn lan toả tốt trên bảng điện tử vào các nhóm có câu chuyện như vận tải biển và dầu khí với kỳ vọng hưởng lợi từ giá vận tải cao và giá dầu tăng trong dài hạn, giúp VN-Index đóng cửa với sắc xanh nhạt. Chúng tôi cho rằng, khả năng mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn đang được duy trì với cơ hội thử thách vùng kháng cự kế tiếp tại 1.38x điểm. Mặc dù vậy, đây được xem là một vùng cản mạnh, mang tính quyết định đến khả năng vượt đỉnh của chỉ số nên áp lực bán nhiều khả năng sẽ gia tăng, gây rủi ro đảo chiều cho VN-Index. Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm thời đóng hết các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục khi VN-Index tiếp cận vùng cản then chốt đã đề cập, chỉ giữ lại các vị thế trung hạn tương ứng với kỳ vọng vượt đỉnh thành công.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội