ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 13/08/2021

13/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Trong thông cáo hôm 12/8 về các giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc tìm ra nguồn gốc loại virus lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, là "cực kỳ quan trọng". WHO yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô và cấp phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm. "Việc chia sẻ phản ánh sự đoàn kết khoa học ở mức tốt nhất và không khác những gì chúng tôi khuyến khích tất cả quốc gia, bao gồm Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể thúc đẩy nghiên cứu nguồn gốc nhanh chóng và hiệu quả", thông cáo nêu. "Chúng tôi kêu gọi cung cấp tất cả dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để có thể bắt đầu loạt nghiên cứu tiếp theo càng sớm càng tốt". Đây không phải lần đầu WHO đặt vấn đề về việc chia sẻ thông tin của Trung Quốc. Đầu năm nay, nhóm 25 chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc tìm hiểu cách thức đại dịch bùng phát. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm ơn Trung Quốc đã hợp tác với cuộc điều tra, nhưng cho biết nhóm nghiên cứu gặp "khó khăn" trong tiếp cận dữ liệu thô.

Giá dầu Brent tương lai giảm 13 cent xuống 71,31 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 16 cent xuống 69,09 USD/thùng. Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà phục hồi lực cầu dầu trong tháng 7 có đảo chiều và dự báo chậm lại cho đến cuối năm sau khi làn sóng Covid-19 mới khiến nhiều quốc gia phải tái áp lệnh phong tỏa. IEA cho rằng mức giảm trong tháng 7 là 120.000 thùng/ngày và hạ dự báo tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 500.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trước đó. OPEC trước đó vẫn giữ nguyên dự báo đà phục hồi lực cầu dầu mạnh mẽ trong năm 2021 và 2022, bất chấp các lo ngại về Covid-19. OEPC cùng đồng minh, tức OPEC+, đã nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 cho đến hết năm nay.

Tình trạng tắc nghẽn ở hai cảng container hàng đầu Trung Quốc là Thượng Hải và Ninh Ba đang trở nên tồi tệ hơn sau khi các nhà chức trách tạm thời đóng cửa một nhà ga của cảng biển Ninh Ba-Chu San do phát hiện một nhân viên mắc Covid-19.   Các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất của Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Kể từ cuối tháng 7, quốc gia đông dân nhất thế giới này phát hiện biến thể Delta lây lan tại hơn một chục thành phố. Theo công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), ngày 11/8, có đến 40 tàu container vẫn đang chờ đợi tại khu neo đậu bên ngoài thành phố biển Chu San, tăng so con số 30 tàu của ngày 10/8, sau khi một nhân viên tại tại nhà ga Meishan của cảng Ninh Ba-Chu San có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhà ga Meidong tạm ngừng mọi hoạt động kể từ đầu ngày 11/8, trong khi các nhà ga khác tại cảng Ninh Ba áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng người và hàng hóa ra vào khu vực cảng.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 14,88 điểm, tương đương 0,04%, lên 35.499,85 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.484,97 điểm thiết lập ngày 11/8. S&P 500 tăng 13,13 điểm, tương đương 0,3%, lên 4.460,83 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.447,7 điểm thiết lập ngày 11/8. Nasdaq tăng 51,13 điểm, tương đương 0,35%, lên 14.816,26 điểm. Đây là phiên lập đỉnh lịch sử thứ ba liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Chăm sóc sức khỏe và công nghệ là các lĩnh vực diễn biến tốt nhất trong S&P 500, chiều ngược lại là năng lượng. Cổ phiếu Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook, chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường của S&P 500, là nhóm dẫn dắt trong S&P 500 và Nasdaq.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu biến động trái chiều vào thứ Năm, do lo ngại kéo dài về các trường hợp Covid-19 trên toàn cầu. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,1%, với nguồn lực cơ bản giảm 1,8% trong khi cổ phiếu bảo hiểm tăng 1,1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,62%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,25%, Topix tăng 0,29%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,22%, Shenzhen Component giảm 0,79%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,53%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,38%. ASX 200 của Australia tăng 0,05%. Thị trường tiếp tục theo dõi tình hình Covid-19 tại khu vực sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm toàn cầu có thể vượt mốc 300 triệu vào đầu năm 2022 nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn theo chiều hướng hiện tại. Dự báo trên được đưa ra chỉ một tuần sau khi WHO ghi nhận số ca nhiễm toàn cầu vượt 200 triệu, 6 tháng sau khi mốc 100 triệu bị vượt qua. Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao kỷ lục hơn 2.200 ca, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết hôm 11/8. Tại Australia, Melbourne gia hạn phong tỏa thêm một tuần do vẫn chưa thể kiểm soát được biến chủng Delta.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 12/08, VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,35%) xuống 1.353,05 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 183 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%) xuống 334,33 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 104 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 91,98 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.659 tỷ đồng, giảm 10,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12% xuống 21.630 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng trên 140 tỷ đồng trên HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Sau phiên sáng 12/08 giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản giữ ở mức tốt khi bên nắm giữ cổ phiếu muốn chốt lời, trong khi dòng tiền mới tận dụng nhịp điều chỉnh để vào hàng. Bước sang phiên chiều 12/08, thị trường nới rộng đà tăng ngay đầu phiên. Tưởng chừng lực cầu thắng thế giúp VN-Index lấy lại đà tăng sau phiên điều chỉnh 11/08, thì lực bán đã gia tăng mạnh trở lại, đẩy VN-Index lùi thẳng xuống dưới tham chiếu. Kịch bản của phiên 11/08 tiếp tục lặp lại trong đợt ATC phiên 12/08 khi các mã trụ bị chốt mạnh, đẩy VN-Index sâu thêm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Tuy có thêm phiên giảm điểm với việc VN-Index xuống dưới đường trung bình 5 ngày (MA5), nhưng thị trường khá cân bằng khi số mã tăng và giảm tương đương nhau. Việc thị trường giảm điểm trong 2 phiên gần nhất ở cuối phiên với cùng kịch bản là nhóm trụ bị bán ra cho thấy dường như dòng tiền lớn đang tạo nhịp kéo xả để ra hàng. Dự kiến, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng 1.340-1.350 điểm và dòng tiền hỗ trợ có thể sẽ gia tăng tại vùng này. Do vậy, quý nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục hợp lý, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt để giải ngân khi thị trường cân bằng và ổn định trở lại.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội